05:08 17/05/2012

Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Năm 1998, em bé đầu tiên được chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến nay cả nước đã có hơn 10.000 trẻ được ra đời từ phương pháp này. Sự thành công của phương pháp này đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình.

Năm 1998, em bé đầu tiên được chào đời từ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại Bệnh viện Từ Dũ. Đến nay cả nước đã có hơn 10.000 trẻ được ra đời từ phương pháp này. Sự thành công của phương pháp này đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình.

 

Tỷ lệ hiếm muộn ngày càng cao


Theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 7 - 10% dân số cả nước ở độ tuổi sinh sản bị vô sinh, hiếm muộn. Nguyên nhân hiếm muộn thường 30% là do người vợ, 30% là do người chồng, 30% từ cả 2 vợ chồng và 10% là không rõ nguyên nhân (riêng tại Bệnh viện Từ Dũ, ghi nhận tỷ lệ vô sinh không rõ nguyên nhân trung bình là 12%).


Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết: Số lượng cặp vợ chồng hiếm muộn đến khám tại khoa Hiếm muộn ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám và tư vấn về hiếm muộn. Trong khi đó, cách đây 10 năm chưa tới chục người tới khám. Hiện tại số chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung và TTTON ngày càng gia tăng. Với kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung, bình quân mỗi tháng khoa Hiếm muộn thực hiện được 150 - 250 ca, tỷ lệ có thai 18 -20%.


 

Sự phát triển của các phương pháp hỗ trợ sinh sản đã đem lại niềm vui cho nhiều gia đình.

 

Theo bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý u xơ tử cung, dị dạng tử cung - âm đạo, buồng trứng đa nang… thì vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm sinh dục, viêm vùng chậu,… cũng góp phần làm tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng, rối loạn cương dương, nhiễm khuẩn sinh dục… Đặc biệt, sự giảm ham muốn do lao động căng thẳng cũng dẫn đến tình trạng vô sinh.


Bác sỹ Tuyết nhìn nhận: Hiện nay, vấn đề hiếm muộn không đơn thuần chỉ là vấn đề về sức khỏe mà còn là vấn đề xã hội vì liên quan đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của các cặp vợ chồng. Hiếm muộn cũng là nguyên nhân của các vụ ly hôn trong xã hội.

 

Những thành công trong điều trị


Bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết, việc điều trị vô sinh hiện nay đã có nhiều bước tiến. Hiện đã có các biện pháp can thiệp bao gồm: Hướng dẫn giao hợp đúng phối hợp với việc thay đổi lối sống; thụ tinh nhân tạo với kích thích buồng trứng và phương pháp TTTON. Để tăng tỷ lệ thành công trong TTTON, trong những năm qua Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM không ngừng đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật tiên tiến đã giúp nhiều cặp vợ chồng có con.


Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho biết: Vượt qua những bước khởi đầu đầy gian nan, khó khăn, chương trình Hỗ trợ sinh sản Việt Nam đã tiếp tục vững bước và phát triển liên tục trong 15 năm qua, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 trung tâm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và hơn 10.000 em bé ra đời từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đi đầu khu vực Đông Nam Á về khả năng thực hiện các kỹ thuật TTTON và đang trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2011, một trung tâm giảng dạy, đào tạo TTTON quốc tế cũng đã được thành lập.


Theo bác sỹ Ngọc Phượng, nhiều người bệnh nước ngoài cũng đã đến Việt Nam điều trị. Cụ thể, chỉ tính riêng khoa Hiếm muộn Bệnh viện An Sinh, năm 2011 đã có 101 cặp vợ chồng từ nước ngoài đến để điều trị vô sinh.


Tiếp nối thành công đó, nhiều bệnh viện trên cả nước không ngừng áp dụng các biện pháp điều trị vô sinh tiên tiến như: Trữ phôi lạnh, TTTON, sử dụng máy hỗ trợ phôi thoát bằng laser, tiếp cận thành công phương pháp chẩn đoán di truyền làm tổ… Nhờ đó, tỷ lệ có thai của các cặp vợ chồng hiếm muộn không ngừng được tăng lên. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như kỹ thuật giảm thai, kỹ thuật trích tinh trùng cho bệnh nhân vô sinh nam, kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng, kỹ thuật đông lạnh từ mô tinh hoàn, kỹ thuật chẩn đoán di truyền phôi…


Bài và ảnh: Đan Phương