06:03 18/06/2012

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2012 - 2013-Bài 1: Rập rình những nguy cơ tiềm ẩn

Năm năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng đầu thập niên 1930, hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm cho dù đã thoát khỏi nguy cơ rơi vào "vực thẳm".

Bài 1: Rập rình những nguy cơ tiềm ẩn


Năm năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng đầu thập niên 1930, hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm cho dù đã thoát khỏi nguy cơ rơi vào "vực thẳm". Hàng loạt nền kinh tế, từ những nền kinh tế phát triển cho đến những nền kinh tế mới nổi, đã thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng. Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", nhất là ở các nước Khu vực đồng euro (Eurozone), tạo ra "cơn gió ngược" cản trở mục tiêu tăng trưởng. Tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn chính trị - xã hội.

 

Đám mây u ám trên bầu trời châu Âu


Tạp chí “Tài chính và Phát triển“ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) số tháng 6/2012 đã vẽ lên bức tranh kinh tế thế giới đa chiều với nhiều gam màu xám. Tiến trình phục hồi của các nền kinh tế phát triển tiếp tục trì trệ, còn các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy vượt qua khủng hoảng kinh tế tương đối nhanh nhưng rất dễ bị tổn thương do các cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Kinh tế Mỹ phục hồi chậm, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu bào mòn dần lòng tin của giới đầu tư. Nguy cơ một cuộc suy thoái mới thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng đã qua vẫn còn hiện hữu. Giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao sẽ đe dọa tiến trình phục hồi của các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp do những nước này chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với nguy cơ của bất cứ cuộc khủng hoảng mới nào.


 

Người tìm việc ở New York xếp hàng chờ đến lượt mình được nộp đơn xin việc tại một hội chợ việc làm ngày 3/5/2012.

Trong bản báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 22/5/2012, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, khủng hoảng tại Eurozone đang đe dọa nền kinh tế thế giới. OECD dự đoán, kinh tế Eurozone không tăng trưởng trong năm 2012 mà thậm chí còn giảm 0,1% và là nguy cơ lớn nhất hiện nay đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới.


Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đã giảm liên tiếp trong hai quý cuối năm 2011 và quý đầu năm 2012, lần lượt ở mức 0,3% và 0,2%. Trong khi đó, nợ công của 17 nước trong Eurozone đã tăng lên 87,2% GDP, mức cao nhất kể từ năm 1999. Hy Lạp dù đã nhiều lần nhận được “cứu trợ” nhưng vẫn đứng đầu danh sách nợ công của châu Âu với tổng nợ bằng 165,3% GDP. Italia là nước có tỷ lệ nợ/GDP cao thứ hai châu Âu (120,1%), còn Tây Ban Nha đứng thứ ba với mức 68,5% GDP. Các bộ trưởng tài chính Eurozone đã sẵn sàng cho Tây Ban Nha vay tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để nước này cứu ngành ngân hàng đang ốm yếu. Việc chấp nhận khoản vay 100 tỷ euro đồng nghĩa với việc nợ công của Tây Ban Nha sẽ tăng thêm 10%. Trước đó, Lúcxămbua cũng đã lọt vào "tầm ngắm". Những rủi ro kinh tế tại Lúcxămbua đang làm gia tăng gánh nặng khủng hoảng nợ công ở Eurozone, thậm chí làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế trên toàn châu Âu và có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu lên mức cao mới.


Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone hiện ở mức 10,9%, cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Trong đó, tính đến tháng 4/2012, khoảng 17,4 triệu lao động nam và nữ tại Eurozone ở trong tình trạng thất nghiệp, là tháng thứ 12 tỷ lệ này tăng liên tiếp. Tại Áo hay Hà Lan, tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 4,2% và 4,9%. Đức đứng hạng ba với một tỷ lệ được coi là ổn định ở mức 5,7%. Trong khi tỷ lệ này tại Italia và Pháp lần lượt là 9,3% và 10%. Tồi tệ hơn là tình trạng thất nghiệp tại Ailen (14,7%), Bồ Đào Nha (15%), Hy Lạp (21%). Riêng Tây Ban Nha đang là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Eurozone (23,6%), với hơn một nửa thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 25 bị gạt ra ngoài thị trường lao động.

 

Thực trạng các nền kinh tế lớn


Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ có những mối quan hệ sâu rộng và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng trưởng hàng năm là 1,9% trong ba tháng đầu năm 2012, thấp hơn so với số liệu được kỳ vọng ban đầu là 2,2%. Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm chỉ tăng nhẹ trong tháng 4/2012 và chỉ trong một tuần lượng đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp đã gia tăng đáng kể. Điều này rất có thể sẽ khởi nguồn cho sự suy thoái lớn trong thị trường việc làm kể từ mốc tăng trưởng mạnh hồi đầu năm 2011. Trong khi nợ của chính phủ vẫn tiếp tục tăng lên thì khu vực tư nhân đã hoàn trả phần lớn các khoản nợ và giúp kéo chậm lại tốc độ tăng của nợ chính phủ. Tổng nợ đã được giảm từ mức 373% GDP xuống còn 336% GDP. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng nợ ở mức thấp là cần thiết cho tăng trưởng, trong khi nợ ở mức quá cao sẽ làm tổn hại nền kinh tế. Nợ tăng sẽ làm giảm tăng trưởng trong dài hạn và thậm chí tạo nên bong bóng trong ngắn hạn. Giới phân tích hy vọng kinh tế Mỹ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% trong quý II năm nay, vẫn thấp hơn so với mức 3% trong quý IV năm ngoái.


Đối với Trung Quốc, cho dù kiểm soát lạm phát thành công nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn có nhiều khả năng tụt dốc. Mặc dù kinh tế vẫn tiếp tục phát triển, nhưng công nhân xây dựng vẫn thất nghiệp hàng loạt và chỉ số tiêu dùng tháng 5/2012 giảm xuống 3% - mức thấp nhất trong hơn ba năm qua. Lượng đầu tư vào bất động sản ở mức thấp nhất kể từ năm 2001. Thống kê của chính phủ cho thấy giá nhà của hơn 50% trong tổng số 70 đô thị lớn tại Trung Quốc đều đã sụt giảm. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,1% trong quý I/2012, giảm so với quý IV/2011. Dự kiến, quý II/2012 khó có thể vượt qua con số của quý I song có thể phục hồi vào quý III năm nay.


Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản trong quý I năm nay tăng trưởng nhanh hơn dự kiến. Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng trong quý I/2012 (so với quý trước đó) từ 1% theo thống kê ban đầu lên 1,2%. Trên cơ sở so sánh hàng năm, kinh tế Nhật Bản trong cùng thời gian này tăng trưởng 4,7%, cao hơn con số 4,1% thông báo trước đó nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ô tô đang phục hồi. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng động lực chủ yếu cho quá trình phục hồi của kinh tế Nhật Bản hiện nay lại chính là các chương trình chi ngân sách của chính phủ cho việc tái thiết các khu vực bị động đất - sóng thần tàn phá. Giới phân tích lưu ý nhu cầu yếu ở châu Âu, đồng yên tăng giá cùng với sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng bất lợi đến đà phục hồi này.


Tố Uyên

 

Bài 2: Đi tìm giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế thế giới