07:07 18/07/2011

Việc làm cho người nhiễm HIV - Bài 1: Chật vật tìm việc làm

Giúp người nhiễm HIV một việc làm phù hợp, có thu nhập bền vững là hoạt động nhân đạo và cần thiết. Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV/AIDS ra cộng đồng. Tuy nhiên, chuyện tìm việc làm đối với người nhiễm HIV không hề đơn giản.

Giúp người nhiễm HIV một việc làm phù hợp, có thu nhập bền vững là hoạt động nhân đạo và cần thiết. Đây cũng chính là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV/AIDS ra cộng đồng. Tuy nhiên, chuyện tìm việc làm đối với người nhiễm HIV không hề đơn giản.

Bài 1: Chật vật tìm việc làm

“Việc làm rất quan trọng đối với người nhiễm HIV, giúp họ quên đi bệnh tật, giải tỏa áp lực về kinh tế, tránh được sự tự kỳ thị, tự tin hòa nhập và chú ý sử dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng... Nhưng thực tế, không ít người nhiễm HIV đang gặp khó khăn về việc làm”, BS. Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Hội Luật gia Việt Nam, khẳng định.

Nguy cơ mất việc

Theo BS. Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, một trong những nguyên tắc trong phòng, chống HIV/AIDS của Đảng và Nhà nước ta là không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ. Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhận các đối tượng này vào làm việc. Những quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS ban hành năm 2006. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn hiện tượng chủ sử dụng lao động đơn phương yêu cầu người lao động nghỉ việc vì biết người lao động nhiễm HIV. Để “lách luật”, họ đưa ra các lý do khác như thừa biên chế hoặc không còn nhu cầu, không phù hợp...


Đồng đẳng viên (bên phải) tư vấn sức khỏe, việc làm cho người nghiện đang được điều trị bằng thuốc Methadone ở quận Lê Chân (Hải Phòng). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Từ năm 2007 tới nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS do BS Trâm làm giám đốc tiếp nhận khoảng 8.000 cuộc gọi về đường dây nóng 18001521, trong đó có rất nhiều cuộc gọi của người nhiễm HIV đề nghị được tư vấn miễn phí và trợ giúp pháp lý về vấn đề bị kỳ thị, chủ doanh nghiệp ép thôi việc, bị thuyên chuyển công tác trái với chuyên môn của người nhiễm HIV... Trong hơn 3 năm qua, khoảng 2.000 trường hợp đã được trung tâm trợ giúp pháp lý thành công.

BS Trâm kể, trong những cuộc gọi đến đường dây nóng của trung tâm nhờ tư vấn giúp mới đây, bà không thể nào quên cuộc điện thoại đầy nước mắt của cô giáo Ánh (nhiễm HIV từ chồng), ở thành phố H. Chị Ánh là giáo viên dạy giỏi 10 năm nay của Trường mầm non VH. Khi biết thông tin chị Ánh nhiễm HIV, Ban giám hiệu trường VH đã chuyển chị sang làm trợ lý cho hiệu trưởng. Tiếng là làm trợ lý, chứ thực ra chị Ánh phải làm công việc vặt như thu tiền ăn, bán phiếu ăn... Vô cùng bức xúc, buồn khổ nhưng chị Ánh không biết làm gì để bảo vệ mình. May nhờ người quen “mách nước”, chị Ánh mạnh dạn gọi điện tới đường dây nóng của Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, đề nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

“Chúng tôi đã cùng đại diện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố H. tới làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu Trường mầm non VH. Sau khi nghe giải thích, Ban giám hiệu nhà trường đã nhận thấy việc không để chị Ánh trực tiếp giảng dạy và điều chuyển chị sang công việc khác là không đúng với quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Ban giám hiệu nhà trường đã cam kết sẽ bố trí chị Ánh được trở lại trực tiếp giảng dạy. Hiện tại, chị Ánh đã được trở lại với cương vị giáo viên”, BS Trâm hồ hởi cho hay.

Thiếu vốn đầu tư

Chị Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Vì ngày mai tươi sáng ở Bắc Ninh, chia sẻ: “Sức khỏe của người nhiễm HIV nhiều khi không cho phép họ tham gia các công việc nặng, kéo dài thời gian tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Họ chỉ có thể làm được những việc đơn giản tại gia đình để có thời gian nghỉ ngơi, khám bệnh, uống thuốc... Do đó, nhiều bạn mong được hỗ trợ vốn để mua một máy may, chăn nuôi lợn, gà...”.


Cán bộ truyền thông tư vấn, giới thiệu việc làm cho người có HIV. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Cân nhắc đôi chút trước khi kể tiếp, Hiền bày tỏ: “Nhiều bạn có hoàn cảnh đáng thương lắm, ví như Hoa chẳng hạn. Bị nhiễm HIV và vì nhiều lý do trước đó nên Hoa bị gia đình kỳ thị, không cho sống chung. Cuộc sống của Hoa rất khó khăn do không việc làm, không nơi ở và còn phải chăm sóc con nhỏ...”.

Để giúp đỡ Hoa, các thành viên trong nhóm Vì ngày mai tươi sáng Bắc Ninh đã cùng nhau hùn vốn, cho Hoa vay tiền đủ để mua một máy may (trị giá 4 triệu đồng). Những người biết may trong nhóm đã hướng dẫn Hoa nghề may. Sau đó, chị Hiền và Ban chủ nhiệm nhóm đã tới động viên gia đình Hoa cho Hoa được về nhà cùng chung sống. Đặc biệt, họ còn liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm may của Hoa, đồng thời đề nghị chủ cơ sở đó cho vay 1.500.000 đồng để góp thêm tiền mua máy may. “Chúng tôi đề nghị cơ sở đó mỗi tháng chỉ trừ nợ 200.000 đồng. Tới nay, Hoa đã trả được hết nợ và có thu nhập ổn định”, chị Hiền cho hay.

Bằng cách thức tự hùn vốn rồi cho các thành viên trong nhóm vay không lấy lãi này, 4 thành viên trong nhóm đã mua được máy may. “Chúng tôi mong muốn thành lập được một tổ may để cho anh chị em có thể cùng nhau làm việc, chia sẻ thông tin về bệnh, nhắc nhau uống thuốc, đi khám định kỳ và trao đổi cách chăm sóc con cái... Nhưng thú thực, chưa biết khi nào mong muốn mới thành sự thực vì nhiều bạn không thể tự đứng ra vay mấy triệu để mua máy khâu. Nhiều lần, nhóm cũng đã liên hệ với một số dự án và doanh nghiệp nhưng hiện vẫn trong giai đoạn chờ xem xét”, chị Hiền buồn rầu nói.

Từ thực tế trên cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình tìm việc làm để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Hiện tại, chỉ có một số ít người nhiễm HIV được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm từ một số dự án thí điểm do tổ chức quốc tế tài trợ. Nhưng trong tương lai gần, các nguồn tài trợ này sẽ kết thúc nên ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng cần có kế hoạch tiếp nối các dự án hỗ trợ việc làm cho người nhiễm HIV đã triển khai. Có như vậy mới tránh được tình trạng dự án kết thúc, việc làm cho người nhiễm HIV cũng chấm dứt theo.

(Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Phương Liên

Bài 2: Sớm nhân rộng mô hình hỗ trợ việc làm hiệu quả