11:09 23/11/2012

Việc gắn kết văn hóa, thể thao và du lịch còn lỏng lẻo

Nằm trong chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, ngày 22/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị “Liên kết giữa văn hóa, thể thao với du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam” ...

Nằm trong chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, ngày 22/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị “Liên kết giữa văn hóa, thể thao với du lịch nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và sản phẩm du lịch Việt Nam” để tìm hướng gắn kết cụ thể giữa các doanh nghiệp du lịch với các đơn vị làm nghệ thuật, thể thao.

 

Sự liên kết lỏng lẻo


Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết: Văn hóa, thể thao là một dạng tài nguyên nhân văn để hình thành nên những sản phẩm du lịch. Trong thời gian qua, 3 lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch đã có sự gắn kết, nhưng việc phối hợp giữa các đơn vị xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.


 

Khách quốc tế tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM. Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Tuy nhiên, bà Đặng Bích Thọ, Giám đốc chi nhánh Công ty Lữ hành Phượng Hoàng phản ánh: “Các sự kiện văn hóa, thể thao thường đến sát ngày tổ chức mới thông báo lịch; trong khi các sản phẩm du lịch bán cho các đối tác nước ngoài trước đó cả năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm về văn hóa, nghệ thuật, thể thao cần có sự phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đang gắn kết với bảo tàng và các đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Hiện chỉ có một số đơn vị hợp tác tốt với du lịch như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (tại khu vực Hà Nội), Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh... bởi họ biết lắng nghe góp ý của đơn vị du lịch. Trong khi đó, các đơn vị biểu diễn vẫn cứng nhắc thiên về nghệ thuật mang tính cao siêu; còn khách thì lại thường thích nghệ thuật mang tính giải trí. Với thể thao, thực tế du lịch đang tự mầy mò tìm đến với sự kiện thể thao và hoạt động thể thao. Mới đây, công ty có tổ chức sự kiện chạy maratong tại Hòa Bình, Huế, Đà Nẵng và phải nhờ đến các Sở VHTTDL địa phương, mời các vận động viên địa phương tham gia giao lưu. Việc hợp tác giữa 3 lĩnh vực: Văn hóa - thể thao - du lịch trước hết phải thay đổi tư duy, cách làm”.


Bà Phạm Lê Thảo, Vụ phó Vụ Lữ hành cho rằng: “Các chương trình nghệ thuật muốn thu hút khách cần đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách. Chính vì vậy, trước đây, Bộ VHTTDL có giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai đề án “Lựa chọn các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của văn hóa dân tộc để giới thiệu tới du khách” nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, đề án này đã được chuyển lại cho Tổng cục Du lịch triển khai. Theo đó, rạp Hồng Hà và bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ xây dựng chương trình biểu diễn thường xuyên từ tháng 12/2012 để thu hút khách.

Cần sự hợp tác cụ thể


Trong khi các đơn vị thể thao khá thờ ơ với sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch, thì các đại diện đến từ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật lại tỏ ra cầu thị. Ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho rằng: "Trong mấy năm qua, Liên đoàn Xiếc đã diễn trên 1.000 buổi diễn tại nước ngoài. Mới đây vở xiếc “Làng tôi” rất hấp dẫn khi diễn tại nước ngoài và luôn chật kín khán giả; trong khi đó diễn tại Việt Nam không ai xem. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn làm việc riêng với các đơn vị du lịch để lắng nghe tất cả các ý kiến một cách thẳng thắn để tìm hiểu xem nhu cầu của khách muốn gì để đáp ứng”.


Ông Phùng Quang Thắng, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho rằng: Sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa và cần có sự đầu tư. Thực tế Hà Nội có nhiều giá trị văn hóa có thể khai thác tạo thành sản phẩm, nhưng do không phù hợp với nhu cầu của khách nên các công ty du lịch đành quay lại giới thiệu múa rối nước. Văn hóa nghệ thuật của các nhà hát đang tiêu tiền của nhà nước mang tính bao cấp trong khi các hoạt động doanh nghiệp du lịch phải tính toán chi phí mang lại hiệu quả trong kinh doanh nên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Thực tế hiện chỉ có một vài đơn vị bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật đang tự tìm hướng liên kết với du lịch để nâng cao hoạt động theo hướng hai bên cùng có lợi.


Bà Hoàng Thị Điệp cho rằng, việc hợp tác giữa ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch hiện mới chỉ là bước đầu. Các đơn vị trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cần chủ động cùng hợp tác với các đơn vị du lịch và Vụ Lữ hành làm đầu mối liên kết, để cùng đưa ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách.


Xuân Cường