Type 26, siêu chiến hạm tương lai của Hải quân Anh

Mới đây, Bộ Quốc phòng Anh đã chính thức giới thiệu thiết kế chiến hạm tấn công toàn cầu Type 26 – phương tiện chiến tranh tương lai của Hải quân Hoàng gia.
 
Chiến hạm tấn công toàn cầu Type 26 là chương trình đóng tàu chiến đầy tham vọng do Bộ Quốc phòng Anh chủ trì, nhà thầu BAE System thực hiện.
 
Dự kiến, khinh hạm Type 26 đầu tiên đi vào phục vụ năm 2021. Anh lên kế hoạch đóng 13 chiếc Type 26 thay thế cho khinh hạm Type 23. Giá trị một chiếc Type 26 vào khoảng 250-350 triệu USD.
 
Type 26 dành được nhiều sự quan tâm từ một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand và Brazil. Điều đó hứa hẹn tương lai sáng lạn nếu được chính phủ Anh cho phép xuất khẩu.
 
Thiết kế linh hoạt
 
Theo thông tin ban đầu, khinh hạm Type 26 có lượng giãn nước khoảng 5.400 tấn, dài 148m. Tàu được thiết kế tối ưu khả năng tàng hình trên biển.
 
Type 26 thiết kế ứng dụng công nghệ module cho phép đạt độ linh hoạt rất cao đảm bảo thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: đảm bảo an ninh hàng hải, chống vi phạm lãnh hải, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa thiên nhiên.

 

Đồ họa mô phỏng chiến hạm tấn công toàn cầu Type 26. 

 

Ở phía đuôi tàu có không gian để chứa xuồng cao tốc, phương tiện không người lái mặt nước hoặc hệ thống định vị thủy âm kéo rê phía sau tàu. Cửa khoang đuôi giống với cách bố trí trên tàu đổ bộ tấn công.

 

Đuôi tàu bố trí sàn đáp có thể đáp ứng khả năng cất hạ cánh trực thăng hạng trung, hạng nặng (như CH-47 Chinook).

 

Thúc đẩy phát triển công nghệ vũ khí mới

 

Dự định trở thành chiến hạm chủ lực tương lai của Hải quân Anh, đương nhiên Type 26 phải được trang bị những công nghệ điện tử, vũ khí tiên tiến nhất thế giới.

 

Điều đó góp phần thúc đẩy các công ty quốc phòng Anh chạy đua để cho ra đời công nghệ mới đáp ứng yêu cầu từ Bộ Quốc phòng Anh.

 

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Anh vẫn chưa công bố các loại vũ khí sẽ có mặt trên Type 26. Nhưng theo chuyên gia quốc tế, Type 26 có thể trang bị hệ thống tên lửa đối không Sea Ceptor và tên lửa hành trình đối hạm/đối đất CVS-401 Perseur. Lưu ý, cả hai hệ thống vũ khí này còn nằm trong quá trình phát triển.

 

Toàn bộ tên lửa sẽ đặt trong hệ thống ống phóng thẳng đứng để tối ưu hóa khả năng tàng hình của tàu. Type 26 dự định thiết kế với 16 ống phóng chứa tên lửa Sea Ceptor và 24 ống chứa CVS-401 Perseur.

 

Tên lửa đối không Sea Ceptor là ứng cử viên sáng giá cho hệ thống phòng không chiến hạm Type 26.

 

Trong đó, hệ thống tên lửa đối không Sea Ceptor được thiết kế để tấn công tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không ở tầm 25km, tốc độ hành trình Mach 3.

 

Hệ thống Sea Ceptor có một điểm đặc biệt cho phép nó triển khai trên nhiều tàu khác nhau. Sea Ceptor không cần radar điều khiển hỏa lực riêng biệt, nó có thể sử dụng dữ liệu từ radar cảnh giới đường không trên tàu. Nó có thể được tích hợp với hệ thống chỉ huy và kiểm soát mới hoặc thế hệ cũ.

 

Dự kiến, Sea Ceptor sẽ đưa vào trang bị từ năm 2016. Nó được dùng để thay thế hệ thống tên lửa đối không Sea Wolf trên tàu chiến Type 23.

 

Còn CVS-401 là hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh tàng hình do Tập đoàn MBDA phát triển. Tập đoàn này mô tả CVS-401 là “hệ thống vũ khí đa nền tảng, đa vai trò độc nhất vô nhị”. CVS-401 có thể tích hợp trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, phương tiện tự hành trên mặt đất.

 

Tên lửa CVS-401 được thiết kế ứng dụng công nghệ module cho phép nó tùy biển để đáp ứng việc tấn công các mục tiêu trên mặt nước, trên đất liền.

 

CVS-401 có chiều dài 5m, khối lượng phóng 800kg. Động cơ đẩy là loại động cơ phản lực tĩnh áp dụng công nghệ CDWE (Continous Detonation Wave Engine), tức nhiên liệu và chất oxy hóa được trộn với nhau từng đợt liên tiếp nhờ sóng xung kích.

 

Kiểu dáng khí động học độc đáo giúp làm giảm tiết diện phản xạ radar giúp nó lẩn tráng được hệ thống phòng thủ trên hạm tàu địch. CVS-401 còn có cảm biến trên thân phát hiện được tên lửa đánh chặn để cơ động tránh né.


 

Mô hình tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh CVS401 Perseus.

 

CVS-401 lắp đầu đạn nổ lõm nặng 200kg và hai đầu đạn phụ (mỗi đầu 40kg) có khả năng tách rời tên lửa chính ở pha cuối để tấn công nhiều mục tiêu hoặc tăng sức công phá với các mục tiêu lớn.

 

Đầu tự dẫn tên lửa được cấu thành từ hệ thống thám trắc địa hình laser LADAR và radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) phát hiện và bám bắt mục tiêu cùng đầu dò laser bán chủ động tấn công mục tiêu đã được chiếu xạ.

 

Có thể nói, CVS-401 chứa trong nó công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Tuy chương trình phát triển vẫn chưa hoàn thành, nhưng nếu MBDA thành công, CVS-401 chắc chắn sẽ thuyết phục được giới chức Anh chấp nhận trang bị cho Type 26.

 

Ngoài Sea Ceptor và CVS-401, Type 26 còn lắp đặt các hệ thống pháo hạm tầm trung, tổ hợp pháo phòng không tầm cực gần (CIWS), ngư lôi chống ngầm. Trong 10 năm nữa, những vũ khí này sẽ dần đượclộ diện.

 

 

Theo baodatviet

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN