Phát biểu đầy phẫn nộ của ông Obama về vụ xả súng Oregon

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu về vụ xả súng tại Oregon đã gần như nổi cơn thịnh nộ về tình trạng bạo lực súng đạn tại quốc gia này. (video dưới).



Ngay sau khi xảy ra vụ xả súng tại trường Đại học cộng đồng Umpqua ở bang Oregon (Mỹ) vào khoảng 10h30 ngày 1/10 (theo giờ địa phương) khiến 10 người chết, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một bài phát biểu trước toàn thể người dân đã thể hiện sự giận dữ và nỗi thất vọng về tình trạng bạo lực súng đạn tại quốc gia này, đồng thời bày tỏ khao khát muốn Quốc hội thông qua dự luật kiểm soát súng đạn.

Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama:

“Lại một vụ xả súng nữa xảy ra ở Mỹ và lần này là tại trường Đại học Cộng đồng Umpqua (Oregon). Điều này có nghĩa là lại có thêm nhiều gia đình người Mỹ -cha, mẹ, con cái- mà cuộc sống của họ bị đảo lộn mãi mãi. Điều này cũng có nghĩa là lại thêm một thành phố nữa phải chịu nỗi đau mất mát, nỗi buồn giằng xé, không khí tang thương bao trùm và thêm nhiều ông bố bà mẹ trên khắp đất nước này ngày ngày lo sợ vì biết rằng có thể gia đình, con cái mình sẽ trở thành những nạn nhân tiếp theo.


Tôi đã đến Roseburg, Oregon. Người dân ở đó thực sự là những người tốt. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người cứu hộ hôm nay vì sự quả cảm của họ đã cứu được nhiều mạng sống. Lực lượng chức năng liên bang đã có mặt kịp thời ở hiện trường để hỗ trợ những người gặp nạn, và chúng tôi sẽ ở đó để giúp đỡ hết sức có thể cho người dân Roseburg.


Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ biết thêm về các nạn nhân – những thanh niên trẻ đang học tập và làm việc hết sức mình để hướng tới tương lai và những giấc mơ trong cuộc đời của họ. Và nước Mỹ sẽ ôm mọi người – những con người đang phải chịu nhiều mất mát đau thương - cùng với những lời cầu nguyện và chia sẻ tình yêu thương vô bờ bến.


Tuy nhiên, cũng như lần tôi phát biểu vài tháng trước, tương tự như mỗi lần tôi bày tỏ ý kiến sau mỗi vụ xả súng, suy nghĩ và lời cầu nguyện của chúng ta là không đủ. Nó không hề đủ một chút nào hết. Nó không thể xóa nhòa nỗi đau, sự mất mát mà chúng ta đã và đang phải trải qua. Và nó không thể ngăn chặn thảm kịch này sẽ lại xảy ra tại một nơi nào đó ở nước Mỹ, có thể trong tuần tới hay một vài tháng sau.


Chúng ta vẫn chưa biết lý do tại sao hung thủ lại hành động như vậy. Có thể chắc chắn một điều, bất kể động cơ là gì thì những kẻ gây ra tội ác như thế này đều là những tên tâm thần. Tuy nhiên, đất nước của chúng ta không phải là quốc gia duy nhất có người bị vấn đề về thần kinh hay có mưu đồ muốn ám hại người khác. Nghịch lý thay chúng ta lại là đất nước phát triển duy nhất mà những vụ xả súng xảy ra thường xuyên như cơm bữa, cách mấy tháng lại xảy ra một lần.


Đầu năm nay, khi trả lời phỏng vấn tôi đã nói rằng “Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên Trái Đất này không có đầy đủ cơ chế luật pháp trong việc kiểm soát và an toàn súng đạn, trong bối cảnh có rất nhiều vụ thảm sát do xả súng gây ra”. Và ngay sau hôm đó, một thảm kịch xả súng đã xảy ra tại rạp chiếu phim ở Lafayette, bang Louisiana. Ngày hôm đó! Dường như chuyện này đã trở thành thông lệ. Các vụ xả súng đã trở thành thông lệ. Bài phát biểu của tôi sau mỗi khi có thảm kịch cũng đã trở thành thông lệ. Chúng ta trở nên chai sạn trước vấn đề này. Chúng ta đã nói về việc này sau các sự kiện ở Columbine và Blacksburg, Tucson, Newtown, Aurora và Charleston. Không thể để một người có ý định hãm hại người khác có thể sở hữu một khẩu súng một cách dễ dàng đến vậy được.


Và rồi phản ứng của những kẻ phản đối luật kiểm soát súng đạn cũng trở thành thông lệ. Ngay bây giờ, tôi có thể mường tượng ra những bản thông cáo báo chí với các câu đại loại như “chúng ta cần thêm súng, họ sẽ lại tranh luận, cần ít luật an toàn súng đạn đi”.


Liệu có ai thực sự tin vào điều đó? Có rất nhiều người sử dụng súng có trách nhiệm tại quốc gia này biết điều đó không hề đúng sự thật. Chúng ta biết điều này dựa trên các cuộc khảo sát khi đa phần người Mỹ hiểu rằng chúng ta cần phải thay đổi luật kiểm soát súng đạn, bao gồm cả những người đang sử dụng súng một cách có trách nhiệm. Nước Mỹ có đủ số lượng súng cho mỗi công dân. Vậy tại sao lại có thể vô tư mà biện minh rằng nhiều súng hơn sẽ giúp chúng ta an toàn hơn.


Chúng ta biết rằng tại những bang chú trọng tới các luật liên quan tới súng đạn nhất lại là những khu vực có tỷ lệ tử vong vì súng ít nhất. Vậy quan niệm luật kiểm soát súng không có hiệu quả gần như trở nên vô nghĩa trước những con số có thật này.


Chúng ta biết rằng tại các quốc gia khác, sau mỗi lần có vụ xả súng xảy ra, họ đều thay đổi, điều chỉnh luật để có thể ngăn chặn hầu hết các thảm kịch có thể tái diễn trong tương lai. Những nước bạn bè, đồng minh của chúng ta như Anh, Australia,… họ đều làm như vậy. Vậy chúng ta đều biết rằng có những biện pháp giúp ngăn chặn được những vụ việc như vậy.


Và chắc chắn sẽ lại thành thông lệ khi có người nào đó bình luận rằng ông Obama lại “chính trị hóa” vấn đề này. Đúng vậy, đây là một vấn đề chúng ta cần phải chính trị hóa. Tôi sẽ yêu cầu giới truyền thông đưa ra số liệu thống kê số người Mỹ chết trong các vụ tấn công khủng bố và số người Mỹ thiệt mạng do bạo lực súng đạn trong 10 năm qua, và bảo họ đưa lên so sánh tại các trang báo. Đây không phải là thông tin tôi tự đưa ra, mà là thông tin từ chính các bạn. Chúng ta tiêu tốn hơn một nghìn tỷ USD, thông qua nhiều luật lệ và thành lập các cơ quan tình báo nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố lên mảnh đất của chúng ta. Nhưng chúng ta lại có một Quốc hội ngăn chặn một cách công khai ngay cả việc thu thập thông tin làm thế nào để giảm thiểu tử vong do bạo lực súng đạn. Tại sao có thể như vậy được?


Đứng trước thân nhân của những người bị nạn chúng ta chỉ biết trả lời chung chung vì sự lơ là, thiếu trách nhiệm. Khi người Mỹ thiệt mạng trong các vụ sập hầm mỏ, chúng ta làm cho công trường an toàn hơn. Khi người Mỹ thiệt mạng trong các đợt bão lũ, chúng ta cũng cứu giúp cộng đồng sơ tán đến chỗ an toàn. Khi đường phố hỏng, chúng ta sửa chữa để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông. Chúng ta ban hành luật thắt dây an toàn vì chúng ta biết điều đó sẽ cứu mạng sống. Vậy tại sao luật kiểm soát súng đạn lại có sự khác biệt. Tại sao sự tự do và Hiến pháp của chúng ta lại ngăn cản bất kỳ điều chỉnh tối thiểu nào trong việc sử dụng các loại vũ khí chết người trong khi những yêu cầu tuân thủ pháp luật đối với các chủ sở hữu vũ khí không có ý nghĩa gì.


Tối nay, với những người may mắn có thể ôm con vào lòng, hãy nghĩ về những gia đình bất hạnh này. Tôi muốn hỏi người Mỹ làm cách nào để họ có thể khiến chính phủ thay đổi suy nghĩ về luật súng đạn, để chúng ta có cơ hội sống, con cái chúng ta có cơ hội trưởng thành.

 

Điều này cần phải có sự thay đổi về mặt chính trị. Điều này cũng cần người Mỹ, bất kể bạn thuộc Đảng Dân chủ, Cộng hòa hay độc lập, khi bạn quyết định bầu cho một ai đó, hãy nghĩ đến liệu người bạn bầu có đồng quan điểm hay có thể hoàn thành mong đợi của bạn về vấn đề này hay không.  Và tôi đặc biệt muốn hỏi những người Mỹ đang dùng súng hiện nay – những người sử dụng chúng một cách hợp lý, an toàn – hãy nghĩ về việc liệu quan điểm mà các tổ chức đang thay mặt nói hộ các bạn mỗi ngày có thực sự là ý muốn trong tâm của mỗi người hay không.


Sau này, mỗi lần có xả súng xảy ra, tôi sẽ đưa vấn đề này lên. Tôi sẽ nói cho đến khi nào chúng ta thực sự làm một cái gì đó để thay đổi luật. Tất nhiên đây không phải việc tôi có thể tự làm một mình. Tôi phải có Quốc hội, những nhà làm luật sẵn lòng hợp tác làm việc này.


Tôi hi vọng và cầu nguyện sẽ không còn một lần nào nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình phải chia buồn với các gia đình trong hoàn cảnh như thế này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi không thể đảm bảo được điều đó. Đó là điều khủng khiếp mà tôi phải nói ra nhưng điều đó có thế thay đổi được.


Cầu mong Chúa ban phúc cho linh hồn của những nạn nhân hôm nay. Cầu mong Chúa sẽ mang đến sự yên bình cho gia đình của họ và ban sức mạnh cho mọi người vượt qua nỗi đau, đồng lòng để tìm đến một sự thay đổi. 


Xin cảm ơn.


Hồng Hạnh (theo whitehouse.gov)
Thảm sát trường học Mỹ, 10 người thiệt mạng
Thảm sát trường học Mỹ, 10 người thiệt mạng

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong vụ xả súng điên cuồng tại một trường cao đẳng ở tiểu bang Oregon, miền Tây nước Mỹ ngày 1/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN