Mướt mồ hôi vác cọc, băng rừng cắm mốc giải phóng mặt bằng Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Để cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, tổ công tác phải vác cọc lội bùn, băng rừng hàng trăm mét để tìm vị trí.

Theo nghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, những ngày qua tại địa bàn xã Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), các công nhân, kỹ sư khảo sát cắm cọc ranh GPMB cho dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã lội đầm lầy, băng rừng để đến tọa độ đánh dấu cắm cọc. Lối đi vào nơi cắm cọc bị bao quanh bởi rừng tràm, sình lầy, trên vai các công nhân vác mỗi cọc nặng khoảng 30 kg cùng hai móng dùng để đóng dưới lòng đất, mỗi móng nặng 45 kg khiến việc di chuyển hết sức khó khăn.

Chú thích ảnh
Khu vực cắm cọc ranh GPMB dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh). Tổ cắm cọc có khoảng 10 người, mỗi ngày đóng hơn 30 cọc.
Chú thích ảnh
Thiết bị chuyên dụng để đo, xác định vị trí của các cọc.
Chú thích ảnh
Sau khi xác định được tọa độ cắm cọc, các công nhân tiến hành đào lỗ để cắm cọc.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Minh Thái, Tổ trưởng tổ cắm cọc Vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn (thuộc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp) cho biết: “Trong ngày 10/10, chúng tôi phối hợp cùng Ban bồi thường huyện Bình Chánh, chính quyền địa phương bàn giao 216 cọc ranh cho chính quyền xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Còn tại huyện Hóc Môn, đơn vị cũng đã cắm 550 cọc và đã bàn giao ranh cho chính quyền xã Tân Hiệp. Đến nay, công tác cắm cọc ranh Vành đai 3 qua hai huyện Bình Chánh và Hóc Môn đã đạt được hơn 70% khối lượng công việc. Dự kiến đến hết tuần này, đơn vị sẽ bàn giao toàn bộ ranh giới cho 2 huyện”.

Chú thích ảnh
Công nhân vác cọc nặng khoảng 30kg lội rừng vào điểm cắm cọc.
Chú thích ảnh
Vị trí mỗi cọc ranh cách nhau từ 60-100 mét.

Theo ông Thái, ranh Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Bình Chánh có 566 cọc, huyện Hóc Môn có 550 cọc. Đặc điểm khu vực xã Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) chủ yếu là rừng tràm, đầm lầy, cỏ cây ùm tùm nên công nhân phải chia làm nhiều tổ để phát cây mở đường, vận chuyển cọc bằng sức người đến vị trí cắm cọc.

Chú thích ảnh
Công nhân chôn cọc khu vực sình lầy.

“Đường đi từ vị trí tập kết móng và cọc bêtông đến tọa độ cắm cọc đầy sình lầy, cỏ cây um tùm, càng vào sâu quãng đường càng xa khiến việc di chuyển hết sức khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình cắm cọc anh em bị đỉa, vắt cắn hút máu là chuyện thường xuyên”, anh Nguyễn Thành Lâm, công nhân vác cọc chia sẻ.

Chú thích ảnh
Các công nhân vác các khối bêtông đi bộ từ vị trí tập kết vào nơi cắm cọc cách xa hàng trăm mét.

Vành đai 3 dài hơn 76 km đi qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó, tuyến đường địa phận TP Hồ Chí Minh dài hơn 47 km, đi qua thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Riêng TP Hồ Chí Minh dự tính có hơn 1.900 cọc ranh giới. 

Chú thích ảnh
Vị trí cắm cọc trên địa bàn huyện Bình Chánh chủ yếu là sình lầy và rừng rậm.

Công tác cắm cọc ranh GPMB dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được xem là mốc quan trọng để dự án thực hiện các công việc tiếp theo như điều chỉnh các đồ án quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Theo kế hoạch, Vành đai 3 khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau ba năm.

Bài, ảnh, clip: Mạnh Linh/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3
TP Hồ Chí Minh phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng Vành đai 3

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 – xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN