'Hoà giải viên' gắn kết tình làng nghĩa xóm

Những năm qua, hiệu quả hoạt động từ 6 tổ hoà giải cơ sở đã góp phần quan trọng "hóa giải" các mâu thuẫn, gắn chặt "tình làng, nghĩa xóm" trên địa bàn phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ hòa giải số 3 (thuộc Tổ dân phố số 3 phường Hàng Bồ), chúng tôi cảm nhận được đam mê, trọng trách ông dành cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo ông Hòa, làm công tác văn hóa ở khu phố cổ đông đúc, chật chội của Hà Nội là việc không hề đơn giản, nhất là đối với các hộ dân đang kinh doanh, buôn bán. Địa bàn luôn phát sinh nhiều vụ tranh chấp, kiến ​​nghị, liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thừa kế... khó giải quyết.

Video phóng viên ghi nhận hiệu quả từ mô hình Tổ hòa giải cơ sở ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Ông Hòa nhớ như in sự việc trong dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, mâu thuẫn giữa hai nhà sử dụng chung lối đi trong ngõ chật hẹp.Hộ nào cũng cho rằng có quyền sử dụng hết phần diện tích trước cửa nhà, nên dẫn đến cãi vã, xô xát. Tổ hòa giải của Tổ dân phố số 3 đã nhiều lần gặp gỡ, động viên, nhưng cũng chỉ mới giải tỏa căng thẳng, bớt lời qua tiếng lại, còn việc giải quyết dứt điểm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn vẫn còn là bài toán khó.

Nhưng bằng sự kiên trì vận động, lựa lời hỏi han, chia sẻ, động viên theo phương châm "mưa dầm thấm sâu"; tích cực trò chuyện, tâm sự, hiện nay, hai gia đình đã qua lại hòa thuận, ai cũng nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau.

Hay như câu chuyện vào giữa năm 2022, khi vợ chồng anh A. và chị H. xảy ra mâu thuẫn, lục đục đòi ra tòa ly hôn. Nhưng rồi, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, nghe lời khuyên răn, động viên của các hòa giải viên, vợ chồng anh chị đã làm lành, trở về chung sống với nhau. Bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy anh chị ấy và con cái khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xây nhà cửa khang trang là ông Hòa và các thành viên trong tổ hòa giải lại thấy vui trong lòng.

Từ câu chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của ông Nguyễn Văn Hòa cho thấy, dù kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên đã chủ động, tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem lại sự yên vui, giữ được tình làng, nghĩa xóm trong gia đình và khu dân cư; góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch phường Hàng Bồ cho biết, mỗi tổ hòa giải có 7 thành viên. Các thành viên trong 6 Tổ hòa giải của phường đều là những người uy tín trong nhân dân, có trình độ kiến thức, hiểu biết về pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình để quản lý và bám sát, với phương châm giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Nhờ đó, các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực về dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, đô thị, hành chính... đã giảm hẳn.

Tính đến tháng 6/2023, TP Hà Nội có hơn 5.000 tổ hòa giải; 80% hòa giải viên ở cơ sở được các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, kiến ​​thức. Thực tế này cho thấy, hoạt động giải hòa ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, giúp người dân nâng cao trình độ hiểu luật và có thể tự giải quyết tranh chấp dân sự tại cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Đa dạng hóa các hình thức vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân
Đa dạng hóa các hình thức vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân

Sáng 22/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN