Hàng chục trường hợp không tuân thủ hiệu lệnh đã từng bị cảnh sát Pháp bắn

Vụ việc cảnh sát bắn chết một thiếu niên gần Paris trong quá trình dừng xe đã gây ra phẫn nộ ở Pháp dẫn đến bùng phát biểu tình. Trong những năm qua, số trường hợp bị cảnh sát Pháp bắn do không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe không phải là hiếm.

Vụ việc châm ngòi

Chú thích ảnh
Cảnh sát Pháp trên phố trong đêm biểu tình thứ ba. Ảnh: AP

Vụ nổ súng xảy ra sáng 27/6 (theo giờ địa phương) tại thành phố Nanterre ngoại ô thủ đô Paris. Nạn nhân được xác định là thiếu niên gốc Bắc Phi Nahel M sinh sống ở thành phố này. Theo video của các nhân chứng, một sĩ quan cảnh sát đã nổ súng vào thiếu niên này ở cự ly gần khi đang dừng giao thông. Trước đó, Nahel M bị hai cảnh sát chặn lại vì vi phạm luật giao thông khi lái chiếc Mercedes màu vàng.

Cảnh sát ban đầu báo cáo rằng viên sĩ quan bắn Nahel M vì cậu lái xe lao vào anh ta. Tuy nhiên video lan truyền trên mạng xã hội lại cho thấy sự thực khác. Trong đoạn phim, hai sĩ quan cảnh sát đứng bên cạnh chiếc ô tô đang đứng yên, một người chĩa vũ khí vào Nahel M. Viên cảnh sát 38 tuổi bắn Nahel M đã bị bắt giam sau đó.

Nhưng vụ việc đã dấy lên tranh cãi ở Pháp về nghiệp vụ của cảnh sát cũng như chỉ trích về cách hành xử của cảnh sát đối với người dân ở khu vực thu nhập thấp, đặc biệt đối với cộng đồng thiểu số.

Đã xảy ra hai đêm bạo loạn trên khắp nước Pháp, khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải triệu tập một cuộc họp khủng hoảng với các bộ trưởng cấp cao.

Dưới đây là video xe ô tô bị đốt ở ngoại ô Paris (nguồn: Daily Mail):

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết 40.000 cảnh sát, trong đó có 5.000 cảnh sát ở Paris, đã được triển khai vào tối 29/6 để đối phó với các cuộc biểu tình tiếp theo. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron mô tả vụ bắn chết thiếu niên gốc Bắc Phi là "không thể bào chữa được". Bên cạnh đó, ông lên án biểu tình bạo lực và cầu xin sự bình tĩnh khi công lý diễn ra.

Kênh Al Jazeera cho biết chính phủ Pháp đang bị “ám ảnh” bởi viễn cảnh tái diễn các cuộc bạo loạn năm 2005 do cái chết của hai thiếu niên da màu Zyed Benna và Bouna Traore, trong một cuộc rượt đuổi của cảnh sát. Những cuộc biểu tình khi đó đã dẫn đến khoảng 10.000 ô tô bị đốt cháy và 6.000 người bị bắt giữ.

Nahel M không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất

Theo một phát ngôn viên của cảnh sát, vụ việc của Nahel M hôm 27/6 là trường hợp thứ ba thuộc loại này trong năm nay, giảm so với kỷ lục 13 người thiệt mạng khi không tuân thủ lệnh dừng giao thông năm 2022.

Theo thống kê của hãng thông tấn Reuters (Anh), có ba vụ việc tương tự như vậy vào năm 2021 và hai vụ vào năm 2020, không có vụ nào được ghi nhận năm 2019 và sáu vụ trong cả năm 2018 và 2017. Reuters cho biết hầu hết nạn nhân kể từ năm 2017 là người da màu hoặc người gốc Arab.

Thanh tra nhân quyền của Pháp đã mở một cuộc điều tra về cái chết của Nahel M. Đây là cuộc điều tra thứ sáu về các vụ việc tương tự vào năm 2022 và 2023.

Khi nào cảnh sát được bắn?

Chú thích ảnh
Cảnh sát chống biểu tình trong một vụ việc vào tháng 5 tại Paris. Ảnh: AP

Kể từ năm 2017, luật pháp của Pháp đã cho phép cảnh sát sử dụng súng trong 5 tình huống khác nhau: • Khi tính mạng hoặc an toàn về thể chất của họ hoặc tính mạng của một cá nhân khác đứng trước nguy hiểm;
• Khi một địa điểm hoặc người dưới sự bảo vệ của họ bị tấn công;
• Khi họ không thể ngăn chặn người có khả năng đe dọa đến tính mạng hoặc an toàn về thể chất của họ hoặc của những người khác, chạy trốn;
• Khi họ không thể dừng phương tiện mà tài xế đã phớt lờ lệnh dừng và người ngồi trên xe có khả năng gây rủi ro cho tính mạng hoặc an toàn về thể chất của họ hoặc của những người khác;
• Nếu có lý do để tin rằng việc sử dụng vũ khí sẽ ngăn chặn tội giết người hoặc cố ý giết người.

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), trong trường hợp của Nahel M, viên cảnh sát đã nổ súng sẽ bị điều tra về tội cố ý giết người sau khi điều tra ban đầu kết luận rằng “không đáp ứng các điều kiện để sử dụng vũ khí hợp pháp”.

Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích luật năm 2017 và cho rằng nó mở rộng khuôn khổ pháp lý một cách nguy hiểm khi một sĩ quan có thể sử dụng súng. Fabien Jobard, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu xã hội học về luật pháp và các tổ chức tư pháp hình sự (CESDIP) có trụ sở tại Pháp từng nói với Reuters rằng có mơ hồ trong luật.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, AP)
Pháp ban hành lệnh giới nghiêm ở ngoại ô thủ đô Paris
Pháp ban hành lệnh giới nghiêm ở ngoại ô thủ đô Paris

Một vùng ngoại ô của thủ đô Paris (Pháp) ngày 29/6 đã ban hành lệnh giới nghiêm để đối phó với nguy cơ bạo lực trong đêm, bắt nguồn từ vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên trong khi dừng giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN