Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe trước thời điểm bắt buộc sử dụng thiết bị mô phỏng

Từ đầu năm 2023, các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị và sử dụng thiết bị mô phỏng đào tạo lái xe cho học viên. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn nên các cơ sở tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể triển khai mua sắm thiết bị này. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm đào tạo, trong 2 ngày 16 và 17/8, đoàn công tác của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã đến kiểm tra, ghi nhận tình hình đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công (huyện Nhà Bè) và Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia (huyện Bình Chánh), đoàn công tác của Tổng cục đã kiểm tra, ghi nhận về công tác đào tạo, sát hạch lái xe; sử dụng cabin tập lái ô tô phục vụ công tác đào tạo và sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe.

Chú thích ảnh
Từ sau ngày 31/12/2022, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe bắt buộc phải trang bị mô hình cabin điện tử để phục vụ cho công tác giảng dạy, thực hành.
Chú thích ảnh
Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công trang bị mô hình cabin điện tử để phục vụ cho công tác giảng dạy, thực hành.
Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Tổng cục đường bộ Việt Nam kiểm tra phòng học cabin tập lái xe ô tô tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thành Công.

Bà Huỳnh Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia, chia sẻ: “Bắt đầu từ cuối tháng 6 có thêm phần mềm mô phỏng để đưa vào sát hạch cho học viên. Đối với phần thi này cũng là phần thi mới. Để phục vụ cho công tác đào tạo, chúng tôi đã đầu tư máy vi tính để cho học viên ôn bài trên phần mềm mô phỏng và đầu tư thiết bị DAT (giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe). Sắp tới, từ ngày 31/12 sẽ áp dụng mô hình cabin điện tử, phía trung tâm cũng sẽ đầu tư để phục vụ cho công tác giảng dạy, thực hành”.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Bãi học của Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia (huyện Bình Chánh).

Phần mềm và cabin điện tử giúp học viên tập luyện kỹ năng và phản xạ trong các tình huống giao thông khác nhau, nhờ đó nâng cao chất lượng chương trình dạy học, thực hành. Tuy nhiên hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ô tô tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đầu tư được mô hình cabin điện tử này do giá thành cao. Bên cạnh đó, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công bố sản phẩm cabin học lái hợp quy ra thị trường để có thể chào giá cạnh tranh cho các trung tâm.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Học viên thi sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông tại Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hoàng Gia.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, Tổng cục đã trình các văn bản lên Bộ GTVT để chọn và chỉ thầu một số trung tâm để thẩm định cabin này. Sau khi ra quyết định thẩm định, các cabin này được phép đưa vào hoạt động từ tháng 1/2023. Bộ GTVT cũng như Tổng cục đang đẩy nhanh chỉ thầu cơ quan thẩm định để cho tất cả các Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe đầu tư”.

Làm việc với các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo, nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô.

Tin, ảnh, clip: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chống gian lận trong sát hạch lái xe
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chống gian lận trong sát hạch lái xe

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố yêu cầu quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và cấp, đổi giấy phép lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN