11:06 16/11/2011

Vì sao kinh tế Italia đứng bên bờ vực sụp đổ?

Thời báo Boston (Mỹ) cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Italia, nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, đang bên bờ vực sụp đổ và phân tích 4 nguyên chủ yếu sau.

Thời báo Boston (Mỹ) cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Italia, nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới, đang bên bờ vực sụp đổ và phân tích 4 nguyên chủ yếu sau.

Nguyên nhân thứ nhất là nợ công. Nợ công hiện nay của Italia là 2.600 tỷ USD, tương đương 120% GDP, tỉ lệ cao thứ hai trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), sau Hy Lạp. Tuy nhiên, những con số này không hề làm thị trường hoảng loạn, thậm chí, thời điểm gần đây thị trường không hề quan tâm đến điều đó.

Trong suốt 20 năm qua, Italia thường xuyên có tỷ lệ nợ trên 100% GDP, chủ yếu do các khoản chi tiêu của chính phủ quá lớn. Năm 1999, khi Italia chính thức sử dụng đồng euro, tỷ lệ nợ là 126% GDP. Tuy nhiên, trong những năm 1990, chính phủ Italia chi ngân sách thận trọng và đạt mức tăng trưởng GDP chậm nhưng thích hợp. Thâm hụt ngân sách thấp, kinh tế phát triển ổn định cùng với tỷ lệ lạm phát vừa phải đã giúp chính phủ có khả năng thanh toán các khoản lãi suất vay.

Nhưng những năm sau đó, tăng trưởng kinh tế của Italia bắt đầu giảm dần. Bắt đầu từ năm 2001, tăng trưởng GDP của Italia rất thấp và cuối cùng giảm xuống mức âm trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiện nay, các nhà đầu tư lo ngại chính phủ Italia không đủ khả năng thanh toán lãi suất nếu không gánh thêm nợ.

Cũng như Hy Lạp, lo ngại đó buộc chính phủ Italia phải thanh toán lãi suất các khoản vay cao hơn. Như tập đoàn Megan McArdle chỉ rõ, việc lãi suất trái phiếu của Italia vượt 7% ngày 11/11 là điều thị trường quan tâm, bởi đây là ngưỡng mà các nhà kinh doanh phải bỏ thêm tiền để mua và bán các loại trái phiếu, từ đó khiến trái phiếu đắt hơn và nhu cầu giảm. Cuối cùng, chính phủ không thể phát hành thêm trái phiếu đủ để trang trải cho khoản nợ cũ - vấn đề mà hai tập đoàn Lehman Brothers và Bear Stearns của Mỹ đã gặp phải. Tóm lại, khoản nợ hiện nay của Italia rất lớn và chính phủ nước này đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai là vấn đề năng suất lao động. Tăng trưởng dài hạn ở mức thấp thường bắt nguồn từ nền tảng yếu kém của nền kinh tế. Điểm yếu đầu tiên phải kể đến của Italia chính là năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của Italia không tăng do Italia thiếu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Do các công ty vừa và nhỏ chiếm đa số trong nền kinh tế, các thị trường vốn của Italia không phát triển mạnh, từ đó không có sự đầu tư thỏa đáng để phát triển công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Đối với thị trường lao động, chính phủ Italia cũng chậm áp dụng các biện pháp hiệu quả. Cũng như Hy Lạp, Italia có một thị trường việc làm tách biệt, một thị trường việc làm cho thanh niên và một thị trường việc làm cho người cao tuổi. Các đạo luật việc làm cứng nhắc khiến các công nhân bậc cao không thể phát huy tính sáng tạo. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Italia là trên 27%, vì họ làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn. Những điều này đã cản trở việc tăng năng suất lao động.

Thứ ba là chính sách phát triển kinh tế. Ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, nhận định, chính sách kinh tế là một vấn đề lớn của Italia. Trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục và tạo vốn, Italia đã và đang thực sự đạt được những bước tiến bộ trong thập kỷ qua, nhưng khâu quản lý đang ngày càng yếu kém. Thậm chí, ngay cả thủ tướng cũng phải đối mặt với những cáo buộc về trốn thuế.

Từ năm 2000, hầu hết các biện pháp của chính phủ không hiệu quả. Tham nhũng và quy định luật pháp bất cập đã trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh. Điều nguy hiểm là chính phủ còn cho phép kinh tế ngầm phát triển. Hơn 15% hoạt động kinh tế diễn ra trong bóng tối, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 100 tỷ euro/năm.

Thứ tư là những khác biệt giữa các khu vực. Khi thống nhất đất nước trong thế kỷ 19, ba khu vực gồm cộng hòa phía bắc, các bang của Giáo hoàng xung quanh thủ đô Rôma và vương quốc phía Nam Sicili đã được sáp nhập. Một số người cho rằng các khu vực này quá khác biệt nên không thể sáp nhập thành một nước. Bên cạnh đó GDP bình quân đầu người ở phía bắc và khu vực trung tâm cao hơn 40% so với phía nam - nơi chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước. Thất nghiệp, tội phạm và lao động thị trường chợ đen cũng tập trung ở phía nam. Do vậy, đây là một trong những nguyên nhân đẩy nền kinh tế Italia vốn khó khăn càng khó khăn hơn.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)