12:00 23/12/2011

Vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng 2011 gia tăng

Mặc dù năm 2011 số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng giảm so với năm 2010, nhưng tính nghiêm trọng và diễn biến phức tạp lại gia tăng, thậm chí có cả tình trạng cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc bức hại rừng xanh.

Mặc dù năm 2011 số vụ vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng giảm so với năm 2010, nhưng tính nghiêm trọng và diễn biến phức tạp lại gia tăng, thậm chí có cả tình trạng cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc bức hại rừng xanh.

Lâm tặc được tiếp tay

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 11/2011, cả nước đã phát hiện trên 26.700 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. Trong đó, trên 3.100 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích gần 2.000 ha, tăng 257 ha (15%) so với cùng kỳ năm 2010, chủ yếu là rừng sản xuất.

Một xe chở gỗ lậu trên địa bàn huyện Sơn Hòa (Phú Yên) bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ. Ảnh: Thế Lập – TTXVN


Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm, ông Nguyễn Hữu Dũng: “Tình hình xâm phạm rừng còn gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng, tạo nên sự bức xúc trong xã hội.

Việc vận chuyển, chế biến, mua bán lâm sản trái pháp luật cũng là vấn đề “nóng” trong năm 2011 với trên 13.500 vụ vi phạm được phát hiện, tịch thu hơn 32.700 m³ gỗ. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ rừng đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 95 vụ nghiêm trọng, gây thương tích 68 người, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Lâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Thuận…

“Các vụ chống người thi hành công vụ đều có tổ chức đông người, có biểu hiện xúi giục, hành vi côn đồ, trong đó một số vụ việc gây thương vong nặng nhưng chưa được xử lí kịp thời”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết.

Về quản lí động vật hoang dã, từ đầu năm đến nay cả nước đã phát hiện và xử lí 929 vụ vi phạm, tăng 140 vụ so với cùng kỳ năm 2010. Qua đó tịch thu 17.760 cá thể, tương đương 31.711 kg (trong đó có 863 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm).

Công tác bảo tồn động vật hoang dã đang đứng trước nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Việc vận chuyển, mua bán, kinh doanh và tiêu thụ các loài động vật hoang dã trái phép ở một số tỉnh còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lí kiên quyết, triệt để.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cho biết, một bộ phận cán bộ, công chức có thẩm quyền tại địa phương, nhất là cán bộ kiểm lâm chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, năng lực hạn chế, vi phạm quy trình công tác, thậm chí có biểu hiện lạm dụng quyền hạn, tiếp tay cho người có hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, nhũng nhiễu, tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng kiểm lâm và gây bức xúc trong dư luận.

Lập lại kỷ cương

Nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực bảo vệ rừng, lâm sản và động vật hoang dã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong năm 2012, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương kiểm tra, quản lí chặt nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến, xưởng cưa, nhất là cơ sở ven rừng. Đồng thời tăng cường kiểm soát vận chuyển, mua bán sản phẩm gỗ và lâm sản, bao gồm cả vận chuyển qua biên giới. Riêng đối với động vật hoang dã, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra các nhà hàng, không để tái diễn tình trạng xẻ thịt thú rừng, nhất là trong các dịp lễ hội.

“Cần kiên quyết đưa những cán bộ, công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật và quy định về cán bộ công chức ra khỏi lực lượng kiểm lâm, người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ, công chức kiểm lâm thì bố trí công việc khác phù hợp hoặc cho chuyển công tác. Đồng thời khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác bảo vệ rừng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Theo Cục Kiểm lâm, nguyên nhân của tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng còn phức tạp là do chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lí của mình, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên.

Do vậy, cần “duy trì thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ trong các đơn vị kiểm lâm; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất về hoạt động và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị, cán bộ, công chức kiểm lâm, nhất là đối với những người được giao nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát lâm sản”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, chấn chỉnh tác phong thi hành công vụ của cán bộ, công chức kiểm lâm. Giáo dục chính trị tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc theo đúng quy định của pháp luật. Đơn vị nào để cán bộ, công chức vi phạm, ngoài việc phải xử lý nghiêm đối với công chức vi phạm, thì thủ trưởng đơn vị đó phải bị xử lý về trách nhiệm quản lý.

Hữu Vinh