09:07 26/09/2014

“Vết nứt” trách nhiệm

Chỉ sau ít ngày đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, con đường cao tốc dài nhất Việt Nam (245 km) đã xuất hiện vết nứt dài tại km83.

Chỉ sau ít ngày đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, con đường cao tốc dài nhất Việt Nam (245 km) đã xuất hiện vết nứt dài tại km83. Theo giải thích của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án, thì vết nứt nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã được dựng biển để theo dõi. Cũng theo VEC, các trận mưa lớn liên tiếp sau hai cơn bão số 3 và số 4 vừa qua, cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến sự cố vừa nêu.


Dù đã giải thích khá cụ thể nguyên nhân của vết nứt, song dư luận vẫn băn khoăn khi “vết nứt” trách nhiệm chưa được cơ quan có liên quan đề cập một cách thỏa đáng. Với cách lý giải của VEC, nhà thầu (Keangnam) thi công đoạn đường này trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu, vậy tại sao vẫn để xảy ra tình trạng đường nứt? Liệu có phải nguyên nhân là do hai cơn bão vừa qua như nhận định của VEC, hay còn nguyên nhân nào khác liên quan tới chất lượng công trình?


Đường vừa làm xong đã lún, nứt không phải chuyện hiếm gặp ở nước ta. Không khó để liệt kê các tuyến cao tốc có vấn đề về chất lượng, như các tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Ninh Bình - Cầu Giẽ, quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh)... Quốc lộ 18 có vốn đầu tư trên 2.800 tỉ đồng, vừa được khánh thành, chưa kịp đưa vào khai thác nhưng mặt đường bị lún nứt. Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện vô số những ổ voi, ổ trâu, mặt đường cũng bị lún, lệch từ 3-5 cm...


Có điểm chung là rất nhiều công trình giao thông được đầu tư bằng vốn ngân sách không được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của pháp luật. Các công trình dù là trọng điểm hay không trọng điểm đều có vấn đề, từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công, nghiệm thu công trình, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong các dự án, công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách. Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng không bảo đảm, công trình vừa đưa vào sử dụng đã trục trặc.


Đề cập vết nứt xảy ra ở tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, một chuyên gia giao thông lập luận rằng, ở quốc gia nào cũng vậy, khi triển khai xây dựng công trình đường cao tốc, không thể tránh những đoạn, tuyến gặp nền đất yếu, thậm chí cả mạch nước ngầm, lầy lội… Vấn đề là nhà thầu chọn giải pháp xử lý ra sao mà thôi?


Bất chợt, nhiều người liên tưởng tới chất lượng đại lộ Nguyễn Văn Linh (TP Hồ Chí Minh do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Được xây dựng hoàn toàn mới qua vùng đất đầm lầy thuộc huyện Nhà Bè (nay là quận 7), quận 8 và huyện Bình Chánh, nhưng đã gần chục năm đưa vào khai thác sử dụng, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của đường cao tốc, chưa hề có vết nứt nào. Đơn giản là chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy trình xử lý nền đất yếu (thay đất nền, khoan cọc nhồi bê tông), cử chuyên gia ra nước ngoài học tập tại các công trình có yếu tố kỹ thuật tương tự. Thậm chí, họ còn mời cả chuyên gia đến từ Thụy Sĩ, Mỹ hỗ trợ kỹ thuật và giám sát thi công. Có lẽ, ngoài những lý do vừa nêu, vì công trình tự bỏ vốn đầu tư, nên trách nhiệm của họ trong quản lý, giám sát, sử dụng đồng vốn cũng khác so với những công trình mà Nhà nước đầu tư.


Phải thừa nhận rằng, ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý các dự án, công trình giao thông với nỗ lực hạn chế những sự cố kiểu như vết nứt xảy ra ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đã có vụ việc, người đứng đầu các doanh nghiệp để xảy ra sự cố đã bị xử lý bằng hình thức cho thôi chức, hoặc bị thay thế... Nhưng thật đáng buồn, hậu quả của công trình này chưa giải quyết xong, thì sự cố tương tự lại tái diễn ở những công trình khác. Một lần nữa, câu hỏi trách nhiệm lại được đặt ra đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến công trình kém chất lượng. Việc cho thôi chức, hoặc bị thay thế mà lãnh đạo ngành giao thông đã thực hiện, có lẽ chưa tương ứng với những hậu quả mà nguyên nhân xuất phát từ sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân có liên quan.


Cần phải thấy rằng, một khi chất lượng công trình giao thông không bảo đảm thì sẽ tiềm ẩn vô số những rủi ro và hậu quả sẽ thật khó lường. Điều này không những tốn kém chi phí cho việc sửa chữa, duy tu, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân về chất lượng các công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách.


Yến Nhi