02:08 11/02/2014

Về quyết định dừng tuyển sinh 207 mã ngành đào tạo đại học

Ngày 10/2, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Anh Tuấn đã chính thức trả lời về quyết định dừng tuyển sinh 207 mã ngành đào tạo của hàng chục trường đại học, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học.

Ngày 10/2, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Bùi Anh Tuấn đã chính thức trả lời về quyết định dừng tuyển sinh 207 mã ngành đào tạo của hàng chục trường đại học, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo bậc đại học. Theo Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn, quyết định này là nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng của giáo dục ĐH trong thời gian tới.


Nhiều trường lớn bị dừng tuyển sinh


Như tin đã đưa, ngày 25/1, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đã ký công văn thông báo quyết định dừng tuyển sinh 207 mã ngành đào tạo đại học đến các trường ĐH, học viện trong cả nước.


Quyết định này được đưa ra sau đợt rà soát của Bộ về điều kiện bảo đảm chất lượng của toàn bộ các ngành đào tạo ĐH trong cả nước trong năm 2013 và đây là đợt rà soát đầu tiên được Bộ GD - ĐT triển khai trong những năm qua. Tổng số đã có hơn 2.400 ngành đào tạo ĐH và hơn 1.200 ngành đào tạo CĐ trong 242 cơ sở giáo dục ĐH đã được rà soát, xem xét có bảo đảm đúng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD - ĐT hay không? Từ sự rà soát này, Bộ GD - ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ ĐH của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014, do không đáp ứng quy định về đội ngũ giảng viên.


Trong danh sách 71 cơ sở giáo dục ĐH có ngành đào tạo ĐH bị dừng tuyển sinh năm 2014, đã xuất hiện tên của nhiều trường ĐH lớn. Đơn cử như ĐH Quốc gia TP.HCM có đến 4 ngành bị dừng tuyển sinh: Ngành hải dương học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên), ngôn ngữ Tây Ban Nha, Hán Nôm, ngôn ngữ Ý (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn). Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 ngành bị dừng tuyển sinh gồm: Toán học, văn học, hóa học, sinh học, tâm lý học, giáo dục công dân, sư phạm mỹ thuật, công nghệ thông tin. Trường ĐH Y dược TP.HCM có 3 ngành bị dừng tuyển sinh: Kỹ thuật y học (hình ảnh), kỹ thuật phục hình răng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng. Trường ĐH Hà Tĩnh có đến 14 ngành bị dừng tuyển sinh trong năm 2014.


Theo ông Bùi Văn Ga, ngoài các ngành đào tạo ĐH, đợt rà soát vừa qua cũng cảnh báo 296 ngành cao đẳng thuộc 74 cơ sở đào tạo trình độ ĐH không bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên. Những ngành bị cảnh báo này nếu không được bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu kịp thời trong năm 2014 thì sang năm 2015 cũng sẽ bị dừng tuyển sinh.


Xử lý nghiêm


Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết, quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết các trường vi phạm. Trường hợp các trường khắc phục được sai phạm sẽ tiếp tục cho phép tuyển sinh. Ngược lại, đến 2015, trường nào không khắc phục được, Bộ sẽ kiên quyết thu hồi quyết định cho phép mở ngành đào tạo.


Hiện tại, với quy định mở ngành ĐH, nhà trường phải bảo đảm có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Với ngành đào tạo trình độ CĐ, điều kiện đội ngũ cũng phải bảo đảm có ít nhất bốn giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Theo ông Ga, toàn bộ những ngành bị dừng và bị cảnh báo đều không bảo đảm được điều kiện tối thiểu này.

"Trước hết về mặt nguyên tắc, Bộ đã thực hiện đúng theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn điều kiện cho phép mở ngành đào tạo và thu hồi giấy phép quyết định đào tạo. Việc kiểm tra, rà soát việc đảm bảo chất lượng đào tạo đặc biệt về đội ngũ là việc làm thường xuyên của Bộ 3 năm gần đây", Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết thêm. Điển hình là trong năm 2010, đã có 58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ bị thu hồi, năm 2013 có 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị thu hồi và năm 2014 là 207 mã ngành đào tạo trình độ đại học bị thu hồi.


Liên quan tới việc tên trường đại học bằng tiếng Anh, Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn thông tin: Hiện nay Bộ đang rà soát lại tên trường bằng tiếng Anh, việc rà soát tiến hành cùng với việc phân tầng xếp hạng trường đại học trong thời gian tới.


Giải đáp về việc có những chuyên ngành đào tạo hẹp và đặc thù chưa có tiến sĩ ở nước ta như các ngành nghệ thuật, sân khấu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, ở những chuyên ngành này, Bộ đã quy định rất linh động như không có tiến sĩ đúng chuyên ngành thì cần có tiến sĩ chuyên ngành gần, có các công trình nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực đó. Trong trường hợp bất đắc dĩ không thể tìm được tiến sĩ có thể tăng số lượng thạc sĩ. Trên thực tế, giáo dục đại học rất khác biệt so với giáo dục phổ thông, phải có người đầu tầu và vai trò của giảng viên tiến sĩ chính là vai trò đầu tầu dẫn dắt sự phát triển của ngành đó.


Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, từ năm 2014, Bộ sẽ yêu cầu các trường đại học phải công bố công khai danh sách đội ngũ giảng viên để không chỉ cơ quan quản lý nhà nước, mà cả xã hội, cùng giám sát nhằm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng bậc đào tạo quan trọng này. Ngành giáo dục cũng đang thực hiện Đề án 911 đến năm 2020, gửi đi đào tạo tại nước ngoài 20.000 tiến sỹ bổ sung cho đội ngũ giảng viên đại học


Ngọc Anh - P.V