01:10 20/01/2012

Về Quảng Nam nghe nói lý, hát lý Cơ Tu...

Tôi từng về miền biển xứ Quảng để nghe những người con vạn biển đắm chìm trong những điệu múa hát bả trạo, được cảm nhận và thấu hiểu nét văn hóa vùng biển ấy nó độc đáo thế nào; thì ngược miền núi Quảng Nam, tôi lại được lắng mình trong làn điệu nói lý, hát lý..

Tôi từng về miền biển xứ Quảng để nghe những người con vạn biển đắm chìm trong những điệu múa hát bả trạo, được cảm nhận và thấu hiểu nét văn hóa vùng biển ấy nó độc đáo thế nào; thì ngược miền núi Quảng Nam, tôi lại được lắng mình trong làn điệu nói lý, hát lý mà chỉ có đồng bào Cơ Tu mới có…

Độc đáo nói lý, hát lý của người Cơ Tu

Đêm đêm trong niềm vui mừng Lúa Mới, bên ánh lửa bập bùng cùng tiếng cồng chiêng rộn rã, các bản làng người Cơ Tu ở xã Sông Kon (Đông Giang, Quảng Nam) về tụ hội ở Gươl ca múa. Giai điệu hùng mạnh của cồng chiêng ngân vang, phả vào đại ngàn Trường Sơn những thanh âm réo rắt. Những đôi chân trần của những chàng trai, cô gái Cơ Tu nhảy theo nhịp điệu cồng chiêng thanh thoát mà kiêu hùng đến lạ. Đêm tan ra giữa tiếng tí tách reo vui của củi lửa bị nhạt nhòa bởi âm hưởng đại ngàn.

Điệu dân vũ Tung Tung – Da Dá thường được người Cơ Tu biểu diễn trong các lễ, hội.


Khi bà con dân bản đã về kín nhà Gươl, già trẻ trai gái Cơ Tu cùng hòa ly rượu với khách. Trên bàn tiệc, cơm lam, bánh Acuốt, măng rừng, rượu cần cũng đã đầy đủ để mời khách. Và khi nghe lời ca: "Ô... ô... ô... Adô achoọng/coonh vóc, coonh êên..." vang vọng ở nhà Gươl, tất cả bỗng im lặng lạ thường. Mọi ánh mắt đổ dồn về nơi các cụ già làng đang ngồi, rồi chìm đắm vào giọng nói của vị trưởng bối đang hát lý. Đó cũng là dấu hiệu mở màn cho cuộc ứng khẩu. Khởi đầu, bao giờ cũng là những câu nói về đạo lý, về truyền thống của người Cơ Tu với những hình ảnh ví von độc đáo như: “Con cá phải sống dưới nước, con voi phải ở trên rừng. Con cá phải bơi thành đàn, con voi phải đi từng bầy”…

Trong đời sống văn hóa người dân tộc thiểu số Cơ Tu, nói lý, hát lý là một trong những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo nhất. Đây là loại hình ứng khẩu thường sử dụng vào mục đích sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống và dùng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu. “Cái hay nhất của nói lý, hát lý chính là dùng một hình tượng để chỉ một sự việc. Vì vậy, nói lý, hát lý thường dùng trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc… hay vấn đề nào đó khó dùng bằng lời thì người ta cũng dùng nói lý, hát lý để thấu hiểu nhau hơn. Nhưng đặc biệt người Cơ Tu không bao giờ sử dụng câu nói, câu hát tục tĩu, thiếu văn hóa trong nói lý, hát lý” - già làng Bríu Brăm ở thôn Bờ Hôồng 1, xã Sông Kon cho biết.

Các già làng đang nói lý, hát lý tại Gươl làng trong ngày hội.


Nói lý, hát lý có nguồn gốc từ cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu và có từ rất lâu đời. Trong một buổi trò chuyện, chủ và khách cùng nói lý để lấy đà cho hát lý. Người nói lý, hát lý giỏi thì phải am hiểu bản chất của vấn đề mình nêu ra và có khả năng đối đáp nhanh. Khi một người giàu có đến gặp một người có hoàn cảnh khó khăn, trong buổi hát lý, người giàu có muốn giúp đỡ người khó khăn nên hát: “Người nào nhảy múa Tung Tung tôi cho gân. Người nào nhảy múa Da Dá tôi cho bạng nhạng”. Người khó khăn khi đó bèn hát lại: “Dù tôi xấu xí thì tôi uống sữa mẹ, dù tôi đen đúa thì cha tôi nuôi nấng”. Có 2 lý ở câu hát trả lời đối đáp đó: Trước hết là người khó khăn muốn nói dù tôi thế nào đi nữa, tôi có cha mẹ lo cho cuộc sống. Lý thứ hai là chối từ sự giúp đỡ của người giàu có, nhưng ngầm ý khinh miệt sự keo kiệt của người giàu khi cho rằng muốn giúp đỡ sẽ “gân” và “bạng nhạng” nhưng phải có điều kiện là phải “nhảy múa” mà theo phong tục của người Cơ Tu là đi mượn của cải chứ không phải là sự giúp đỡ.

Khi một bên nói lý đúng quá và đối phương không thể đối lại thì gọi là “hết lý” hoặc “chết lý”. Trong tập quán của người Cơ Tu, khi bị đối phương bắt lý và hết lý, dù là kẻ thù đi chăng nữa họ cũng tâm phục, khẩu phục và giảng hòa theo ý của đối phương.

Đặc biệt, trước đây trong chiến tranh, người cán bộ nằm vùng làm công tác vận động, tuyên truyền dân bản, ngoài việc nói được tiếng Cơ Tu và am hiểu về phong tục tập quán của người Cơ Tu, còn phải biết nói lý, hát lý Cơ Tu. Họ phải nói, giải thích như thế nào đấy để người dân “hết lý” và hoàn toàn tuân phục thì khi đó những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mới đi vào đời sống đồng bào.

“Bảo tồn nói lý, hát lý là phát huy văn hóa đặc sắc Cơ Tu”

Trong dòng chảy có cả sự xô bồ của văn hóa ngoại lai, không chỉ dừng lại ở phố thị, mà đã vang đến cả núi rừng sâu thẳm. Về miền biên ải xa xôi vùng Tây Quảng Nam, nơi mà chủ yếu đồng bào Cơ Tu sinh sống, người ta không còn xa lạ thứ nhạc “vũ trường” náo động cả núi rừng. Thứ nhạc hỗn âm ấy liệu có át mất tiếng hát lý, nói lý vốn đã sống bền vững trong đời sống tinh thần người Cơ Tu?

Với hơn 30 năm làm việc và nghiên cứu về văn hóa Cơ Tu, ông Nguyễn Tri Hùng, nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, nói lý, hát lý không được đồng bào Cơ Tu sử dụng trong công việc hành chính với cán bộ, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong tư duy của người Cơ Tu có sự tồn tại mặc nhiên là “lý lẽ”. Vì vậy, nói lý, hát lý sẽ tồn tại mãi mãi. Chỉ sợ là giới trẻ Cơ Tu sau này không còn am hiểu tiếng mẹ đẻ của mình và không biết gì về phong tục, tập quán nơi mình sinh ra thì nói lý, hát lý mới có khả năng bị mai một. Hay nói một cách khác, nếu giữ gìn nói lý, hát lý thì sẽ bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc Cơ Tu”.

Hiện nay, trong các buổi sinh hoạt truyền thống ở các bản làng, người dân vẫn sử dụng nói lý, hát lý để giải quyết sự việc. Bên cạnh đó, việc bảo tồn nói lý, hát lý cũng như nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu hiện đang được các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đông người dân tộc Cơ Tu sinh sống như Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang, triển khai nhiều tiểu mục chương trình, hoạt động thông qua đề án Khôi phục, bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Cơ Tu giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Mới đây, Ủy ban MTTQ VN huyện Đông Giang đã phối hợp với các đơn vị cơ sở tổ chức thí điểm lồng ghép điệu nói lý, hát lý trong tuyên truyền các chính sách tại 3 thôn Bờ Hồng 1 (xã Sông Kôn), thôn Axanh 1 (xã Zà Hung) và thôn Éo (xã Ba) nhân kỷ niệm 81 năm Ngày truyền thống của ngành. Theo ông Nguyễn Hữu Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện Đông Giang, đây là cơ hội để mặt trận các cấp tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; góp công, góp đất trồng cây cao su; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tảo hôn… Cũng thông qua các buổi sinh hoạt tuyên truyền, nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu sẽ được duy trì và hình thành nếp sinh hoạt thường kỳ tại các thôn và các cụm xã.

Dẫu vậy, trước những “cơn gió lạ” thổi về miền núi rừng sâu thẳm, sao vẫn thấy còn nhiều nỗi băn khoăn trăn trở trước sức sống của loại hình văn hóa này?

Bài và ảnh: Hứa Chung