02:14 18/02/2015

Về Kim Bình, nơi diễn ra Đại hội lần thứ II của Đảng

Giữ vững một niềm tin son sắc với Đảng, người dân ở Kim Bình hôm nay đang dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong những ngày cả nước hân hoan đón xuân mới, kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, ngược dòng sông Lô, chúng tôi tìm về xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng vào tháng 2/1951 (Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước). Dù đã 64 năm trôi qua, nhưng với người dân ở Kim Bình, hình ảnh về Bác Hồ và không khí náo nức trong những ngày trọng đại ấy mới như vừa hôm qua. Giữ vững một niềm tin son sắc với Đảng, người dân ở Kim Bình hôm nay đang dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Quang cảnh Đại hội Đảng lần thứ II.


Kỷ niệm đại hội trong lòng dân

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, bệnh viện, trường học được xây dựng khang trang... là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về xã Kim Bình, nơi ghi dấu những mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. Dẫn chúng tôi đi thăm Khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được trùng tu, tôn tạo theo nguyên mẫu, anh Trần Văn Xuyến, cán bộ quản lý khu di tích Kim Bình kể lại: Kim Bình có vị trí chiến lược quan trọng trong An toàn khu, do vậy tháng 2/1951 Kim Bình được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 tại khu rừng Nà Loáng (một rừng cọ bạt ngàn), thôn Phú An, nay là thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên của Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là Đại hội Đảng diễn ra đầu tiên ở trong nước, trong thời điểm cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hội trường nơi diễn ra Đại hội.


Tại Đại hội đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới vận mệnh của cả dân tộc: Đề ra chủ trương, đường lối đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; tổ chức Đảng Lao động Việt Nam; xây dựng ở Lào, Campuchia mỗi nước một đảng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi; bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư...

Để hiểu rõ hơn về những ngày lịch sử trọng đại ấy, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình, một trong những gia đình có truyền thống cách mạng và đã được phục vụ cho Đại hội. Năm nay 78 tuổi, mặc dù mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng ông Bảo vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Đại hội, ông Bảo tâm sự: Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, từ cuối năm 1950 các cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tập trung xây dựng khu Đại hội, với phương châm chu đáo, an toàn, bí mật, theo đúng lời Bác Hồ căn dặn: "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì". Công việc xây dựng cơ sở vật chất của đại hội gồm gần 30 ngôi nhà và một hội trường lớn với kiến trúc giản tiện và trang nhã. Toàn bộ nhà cửa, hầm hào, đường đi lại đều được làm dưới tán cây rừng, kín đáo, bí mật nhưng vẫn thoáng đãng, khoa học, hiện đại, phù hợp với phong cảnh núi rừng chiến khu.

Quê hương cách mạng đang đổi thay từng ngày.


Còn ông Nông Văn Tiêu, dân tộc Tày, 80 tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, thôn Đồng Cột, xã Kim Bình không giấu nổi niềm tự hào khi nhớ lại những kỷ niệm về Đại hội: Những ngày diễn ra Đại hội là những ngày người dân Kim Bình không bao giờ quên, bởi khi ấy đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân được đón Tết an toàn và ấm cúng với Bác Hồ và các đại biểu. Ngoài giờ họp, Bác Hồ và các đại biểu còn chơi thể thao và giao lưu văn nghệ với người dân, nên kỷ niệm của người dân Kim Bình về Đại hội không chỉ là sự kiện trọng đại của đất nước mà còn là sự gần gũi, giản dị của Bác và các đại biểu, là nghĩa Đảng, tình dân thắm thiết.

Ông Tiêu cho biết thêm, mặc dù, khi đó cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân Kim Bình đã không tiếc sức người, sức của đóng góp phục vụ Đại hội. Gia đình có gạo thì góp gạo, gia đình có rau thì góp rau... để nuôi cán bộ trong thời gian họp Đại hội...

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Ông Hoàng Văn Bảo, dân tộc Tày, thôn Khuôn Nhự, xã Kim Bình - một trong những gia đình có truyền thống cách mạng và đã được phục vụ cho Đại hội.


Về Kim Bình những ngày này, sự thay đổi hiện rõ, 80% đường nội thôn, 60% đường nội đồng đã được bê tông hóa... Tại trung tâm xã, không khí buôn bán tấp nập, sự sầm uất không khác gì thị trấn huyện, khiến chúng tôi cảm nhận được sức sống mới ở quê giàu truyền thống cách mạng này.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở mới được xây dựng, ông Ma Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Kim Bình cho biết: Xã Kim Bình hiện có 1.210 hộ, với hơn 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Tày, Dao, những năm qua, phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn, cần cù lao động, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân ở Kim Bình đã từng bước tạo ra diện mạo mới cho quê hương.

Trường Mầm non xã Kim Bình.


Hiện nay, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn và tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 54,27%, đến nay giảm còn 6,36%; 13/13 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa mới, với diện tích 1.200 m2/nhà văn hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia...

Giải thích về cách làm của địa phương để đạt được những kết quả này, ông Bắc cho biết: Thực hiện tốt quy chế dân chủ chính là chìa khóa thành công trong xây dựng nông thôn mới. Khi phát huy được tinh thần chủ thể của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Điển hình như, để xây dựng nhà văn hóa thôn bản, bình thường sẽ phải đầu tư khoảng 600 triệu đồng, nhưng nhờ có sự đóng góp và giám sát của người dân nên chi phí đầu tư giảm còn 310 triệu đồng/1 nhà văn hóa... Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Kim Bình đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng cây đặc sản: xây dựng xưởng chế biến mắm cá ruộng với diện tích 120 m2, tổng kinh phí đầu tư trên 600 triệu đồng, sản phẩm mắm cá của Kim Bình đã được đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và có thương hiệu là “Mắm cá Cổ Linh”; xóa nhà tạm cho 60 hộ, cơ bản đạt “3 cứng” (cứng nền, cứng khung, cứng mái). Qua đó, giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo bước đệm để thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới.

Là một trong những gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm, ông Ma Đình Văn, thôn Đồng Ẻn chia sẻ: Năm 2014, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ xóa nhà tạm của xã hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, bạn bè, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi yên tâm lao động, sản xuất không phải sống trong cảnh lo sợ nhà sập mỗi khi mùa mưa bão về.

Với sự nỗ lực và đoàn kết của chính quyền và người dân nơi đây, Kim Bình đang vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng là quê hương cách mạng, là nơi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Kim Bình phấn đấu hết quý II năm 2015, xã sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.


Quang Đán - Phạm Yến