05:10 12/05/2011

Về Hội Gióng nghe múa hát Ải Lao

Hôm qua 11/5 (9 tháng Tư âm lịch), tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), hàng trăm nghìn người đã tham gia Hội Gióng, tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) có công dẹp giặc Ân cứu nước.

Hôm qua 11/5 (9 tháng Tư âm lịch), tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), hàng trăm nghìn người đã tham gia Hội Gióng, tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng) có công dẹp giặc Ân cứu nước. Cũng như mọi năm, vào ngày chính hội, sau lễ rước cờ từ Đền Mẫu về đền Thượng, người dân làng Phù Đổng lại tái diễn cảnh Thánh Gióng xuất quân đánh giặc qua hình tượng múa cờ hết sức độc đáo. Khi ván cờ thứ 3 kết thúc, nghĩa là quân ta đã thắng trận.

Phường hát Ải Lao biểu diễn tại Hội Gióng.


Tham dự Hội Gióng ở Phù Đổng có 5 làng gồm: Phù Dực, Phù Đổng, Đổng Viên (xã Phù Đổng), Đổng Xuyên (xã Đặng Xá, Gia Lâm) và Hội Xá thuộc phường Phúc Lợi (Long Biên). Trong 5 làng này, có duy nhất 1 làng thuộc quận Long Biên, cách xa địa phận xã Phù Đổng tới gần chục cây số nhưng cùng tham gia ngày hội, chính sự tham gia của phường hát Ải Lao (còn gọi là hát tùng choặc) của làng này đã góp phần không nhỏ tạo nên nét độc đáo của Hội Gióng.

Ông Nguyễn Trọng Hinh, Trưởng Ban quản lý di tích đình Hội Xá, đoàn trưởng (xưa gọi là trùm trưởng) của đoàn hát Ải Lao, kể: Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, khi Thánh Gióng cùng đội quân đi đánh giặc qua bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay), các trai đinh trong làng Hội Xá đã xin đi theo. Trong số những trai đinh xin đi đánh giặc có đủ mọi thành phần, từ người đang câu cá bên bờ sông cầm theo cả cần câu đi, rồi đến người thợ săn mang theo cung tên, đến đám trẻ chăn trâu cũng theo ông Gióng đi đánh giặc… Đặc biệt, trong đoàn hát Ải Lao còn có một nhân vật đặc biệt, đó là ông Hổ. Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương thứ 6 là thời điểm cõi người với cõi thánh gần nhau, ông Hoàng Hổ là một trong những thiên tướng của nhà trời được sai xuống đi theo Thánh Gióng đánh giặc. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân với đủ mọi thành phần, tượng trưng cho sức mạnh tổng hợp của cả nước khi có giặc ngoại xâm đến, mọi người, mọi thành phần đều tìm mọi cách để đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Đây còn là đoàn quân tiên phong trong đội quân của Thánh Gióng (kiểm tra trước khi đánh trận), bởi sau khi ông Hổ đi khám chiếu xong mới được phất cờ lệnh. Sau khi chiến thắng, đoàn quân Ải Lao đã tổ chức múa hát mừng chiến thắng.

Đoàn múa hát Ải Lao khoảng 30 người, trong đó có 1 ông trưởng đoàn (trùm trưởng), một người đóng ông Hoàng Hổ, 1 người đánh trống khẩu, 1 đánh chiêng, 1 cầm cung tên (tượng trưng cho người đi săn); 1 người cầm cần câu (tượng trưng cho người câu cá); 2 người cầm cờ lau (nhắc lại sự tích đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá chơi cờ lau theo Gióng đi đánh giặc và giắt bông lau che kín mình cho vị Thánh), số còn lại vừa cầm sênh và hát. Đi cùng với phường Ải Lao là 12 em mặc áo dài đỏ cầm roi mây đi dẹp đám.

Trong suốt quá trình diễn ra Hội Gióng, phường Ải Lao hát rất nhiều bài, mỗi bài có nội dung khác nhau: Hát khi vào đền dâng lễ trình; hát thờ đền Thượng; hát thờ đền Thánh mẫu (người sinh ra Gióng); hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca); hát kéo hội đi đường; hát rước hội xuống đồng vào giá ngự; hát câu cá; hát về cây tre; hát săn hổ; hát về đền sau khi thắng trận... Tùy từng thời gian, địa điểm mà những bài hát được ứng khẩu cho phù hợp hoàn cảnh.

Điều đặc biệt của phường hát Ải Lao là toàn nam, tuổi quy định thấp nhất từ 35 tuổi trở lên, và tất cả phải là trai đinh của các dòng tộc trong làng, con rể hay ngoại tộc đều không được tham gia.

Ông Nguyễn Bá Trản, người đã có gần 30 năm hát trong đoàn Ải Lao tâm sự: Phường hát Ải Lao đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng lớp người kế cận để thay thế mỗi khi có người xin nghỉ. Một phần do lớp trẻ mải làm ăn, không muốn tập luyện, phần nữa là do đặc thù người tham gia trong đoàn phải là người trên 35 tuổi, nên mỗi khi có người cao tuổi xin nghỉ, việc tìm người bổ sung vào đội lại gặp khó khăn. Chính vì vậy, mong muốn lớn nhất của ông Trản cũng như bao người khác trong đoàn Ải Lao hiện nay là được địa phương, các cấp, các ngành hỗ trợ để tổ chức các lớp truyền dạy, đào tạo cho con cháu trong làng biết hát các điệu hát Ải Lao để sẵn sàng tham gia vào đoàn hát khi có yêu cầu.

Bài và ảnh: Phương Lan