11:14 04/11/2014

Vàng trong nước đắt hơn thế giới 5,4 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 4/11 tiếp tục giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 9 tháng qua. Tuy nhiên, giá vàng trong nước hiện vẫn đắt hơn giá thế giới khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước sáng 4/11 tiếp tục giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới và đang ở mức thấp nhất trong khoảng 9 tháng qua, nhưng vẫn đắt hơn giá thế giới khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá thế giới khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.


Cụ thể, trong buổi sáng 4/11, vàng SJC của Tập đoàn Doji được niêm yết ở mức 35,32 – 35,36 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán. Mức giá này giảm khoảng 30.000 đồng/lượng so với cuối ngày 3/11. Giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cũng được niêm yết quanh mức 35,26 - 35,38 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm khoảng 20.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày 3/11. Đây là mức thấp nhất từ cuối tháng 1 đến nay.

Biến động không cùng nhịp với giá vàng thế giới là diễn biến chính của thị trường vàng trong nước nhiều ngày qua. Khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường do đó ngày càng được nới rộng. Giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương gần 30 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí).

Như vậy, giá vàng trong nước hiện đắt hơn giá thế giới khoảng 5,4 triệu đồng/lượng (chưa trừ thuế và các khoản phí). Đây là mức cao so với mức “lý tưởng” vào khoảng dưới 1 triệu đồng/lượng mà các nhà quản lý cũng như người dân đang kỳ vọng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, sự “lỗi nhịp” này có nguyên nhân sâu xa từ thực tế thị trường vàng trong nước hiện nay chưa liên thông với thế giới. Chính vì sự không liên thông đó nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức xa cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác, vị chuyên gia này cũng nhận định: ở Việt Nam, thị trường vàng hoạt động theo cung cầu trong nước, có sự quản lý của Nhà nước. Hơn nữa, nhu cầu vàng của người Việt Nam cũng khác so với người dân trên thế giới. Nếu như người Việt có thói quen tích trữ vàng miếng như một thứ tài sản, thì ở các nước khác người dân thường mua vàng nữ trang còn vàng miếng chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Sự khác biệt đó cũng đã dẫn đến “lỗi nhịp” giữa vàng trong nước và thế giới.

Dù mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thị trường trong nước và thế giới chưa đạt được nhưng nhiều chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc giữ vững ổn định thị trường suốt thời gian qua. Bằng chứng là hơn 11 tháng qua cơ quan này vẫn chưa phải bán vàng ra để can thiệp thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao thì sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ nhập lậu vàng qua biên giới.


Đỗ Huyền
(TTXVN)