09:08 17/09/2011

Vang mãi bản hùng ca Ngọc Trạo

Trong những ngày tháng 9 mùa thu, người dân xứ Thanh lại hướng về lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo (19/9/1941 - 19/9/2011) - nơi ra đời đội du kích vũ trang của tỉnh Thanh Hóa trong cao trào phản đế cứu quốc.

Trong những ngày tháng 9 mùa thu, người dân xứ Thanh lại hướng về lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo (19/9/1941 - 19/9/2011) - nơi ra đời đội du kích vũ trang của tỉnh Thanh Hóa trong cao trào phản đế cứu quốc. Phát huy truyền thống của cha anh, các thế hệ hôm nay đã và đang vượt khó trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Trạo - Mảnh đất anh hùng

Giữa năm 1941, Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) đã được chọn để xây dựng chiến khu du kích, làm căn cứ huấn luyện cán bộ cốt cán, đào tạo về quân sự, chính trị, phát triển nhanh lực lượng cách mạng tiến tới xây dựng đội quân vũ trang theo tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 8.

Toàn cảnh Khu tưởng niệm chiến khu Ngọc Trạo.

Ngày 19/9/1941, tại Hang Treo- một địa điểm của căn cứ Ngọc Trạo- Ban lãnh đạo chiến khu thành lập đội du kích vũ trang thoát ly đầu tiên gồm 21 đồng chí, do đồng chí Ðặng Châu Tuệ làm chỉ huy trưởng. Dưới cờ đỏ sao vàng, toàn đội đã tuyên thệ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ðội du kích Ngọc Trạo được biên chế thành tiểu đội cảm tử, tiểu đội súng, tiểu đội trinh sát cùng các bộ phận y tế, cứu thương và liên lạc.

Dù chỉ có 11 khẩu súng, còn lại là các loại vũ khí thô sơ như dao bầu, mã tấu, cung nỏ, gậy gộc... cùng điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ du kích luôn lạc quan, tin tưởng vào con đường mà Ðảng, Bác Hồ đã lựa chọn, cùng nhân dân Ngọc Trạo dốc lòng, chung sức gây dựng chiến khu. Do xúc tiến các mặt hoạt động ở chiến khu một cách sâu rộng, tích cực nên chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ có 21 đội viên khi mới thành lập, đến cuối tháng 9/1941, số đội viên du kích và cán bộ ở chiến khu Ngọc Trạo đã tăng lên trên 80 chiến sỹ.

Lúc này, Ban lãnh đạo đã quyết định chuyển địa điểm từ Hang Ma về khu đồi Ma Mầu, cách Ngọc Trạo khoảng 3 km, sau đó lại chuyển về làng Ngọc Trạo để tiếp tục hoạt động. Hơn 80 chiến sĩ cùng hàng chục người phục vụ tập trung gọn trên địa bàn 3 km2 trong điều kiện tiếp tế khó khăn và an toàn bí mật không đảm bảo.

Lúc này thực dân Pháp đánh hơi thấy hoạt động vũ trang của các chiến khu ở Thanh Hóa, chúng ráo riết tìm cách trấn áp, càn quét. Ngày 18/10/1941, địch đã huy động hơn 500 quân (chủ yếu là lính khố xanh khố đỏ) càn quét vào căn cứ Ngọc Trạo. Tuy bị tấn công bất ngờ, nhưng các chiến sỹ du kích Ngọc Trạo với vũ khí thô sơ như súng kíp, mã tấu, dao, kiếm đã anh dũng chiến đấu giáp lá cà với kẻ địch, làm cho quân địch hoang mang, một số rút khỏi vòng vây, số còn lại tập trung hỏa lực bắn xối xả về phía quân ta rồi sau đó chúng cũng phải rút lui.

Tại trận đánh này, nhiều chiến sỹ du kích của ta cũng đã anh dũng hy sinh. Ngay đêm 19/10/1941, thực hiện mệnh lệnh của Ban lãnh đạo chiến khu, đồng chí Đặng Châu Tuệ đã cùng các đội viên du kích rút về làng Cẩm Bào, Xuân Áng. Thời gian này, dù bị thực dân Pháp huy động lực lượng ráo riết truy lùng, nhưng nhân dân ''làng đỏ Cẩm Bào'' vẫn một lòng che chở, đùm bọc các chiến sĩ cách mạng. Chưa tiêu diệt được đội du kích Ngọc Trạo, thực dân Pháp ra lệnh cho tay sai tiến hành những cuộc khủng bố, trả thù nhân dân Ngọc Trạo, Cẩm Bào, Ða Ngọc. Có hàng chục đồng chí lĩnh án tù 20 năm, án tù chung thân, hàng chục mái nhà bị đốt phá, hàng trăm gia đình bị phá nhà cửa, tài sản, ly tán...

Trong đau thương, mất mát, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa không run sợ, vẫn dũng cảm chở che, hỗ trợ gây dựng các cơ sở cách mạng, tiếp tục giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, vùng lên đập tan gông xiềng nô lệ trong mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Sáng mãi ngọn lửa chiến khu

Nỗ lực cùng cả huyện, cả tỉnh tô thắm thêm khí phách hào hùng của cha ông, Ngọc Trạo hôm nay đã có những đổi thay rõ nét. Dấu ấn nổi bật chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người là 10 triệu đồng/người/năm, diện tích thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao không ngừng được mở rộng nên bình quân lương thực đầu người đã đạt gần 600 kg/năm.

Thực hiện chương trình nuôi trồng thủy sản, Ngọc Trạo đã chuyển 14 ha đồng trũng 2 vụ lúa không ăn chắc sang xây dựng mô hình cá - lúa, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhân dân. Toàn xã đã có 2 doanh nghiệp, 8 trang trại lớn cho thu nhập từ 100-600 triệu đồng/năm, hàng năm thu hút hàng nghìn lao động trong và ngoài xã.

Vào ngày 17/9 tới, lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo được Thanh Hóa tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Cùng với hoạt động dâng hương tại Tượng đài Du kích Ngọc Trạo và khu mộ liệt sĩ du kích chiến khu còn có nhiều hoạt động khác như diễu binh, diễu hành và chương trình văn hóa nghệ thuật… Cũng trong dịp này, nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân, huyện Thạch Thành đã phát động cuộc thi tìm hiểu 70 năm thành lập chiến khu Ngọc Trạo, thu hút đông đảo học sinh các đơn vị, trường học tham gia.

Không giấu nổi niềm tự hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Bùi Minh Thông khẳng định: "Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thành đang tập trung thực hiện 3 chương trình trọng tâm, đó là: Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông - lâm nghiệp - thủy sản, gắn với xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển đô thị gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ và Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để thực hiện thắng lợi 3 chương trình trên, Thạch Thành đang thực hiện các bước đột phá, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ổn định diện tích cây lúa 8.000 ha, chuyển 1.000 ha sang phát triển trang trại, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp địa phương theo hướng nâng cao chất lượng gắn với thế mạnh của một huyện miền núi để đẩy mạnh công tác quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, trong đó tập trung triển khai xây dựng khu đô thị công nghiệp Vân Du, đô thị công nghiệp Thạch Quảng; quy hoạch mở rộng thị trấn Kim Tân, đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, Nhà máy sản xuất men vi sinh liên doanh Việt Nam - Đài Loan; hoàn thiện cầu Kim Tân và hệ thống đê tả, đê hữu sông Bưởi phục vụ công tác phòng chống bão lụt và phát triển kinh tế xã hội...

Đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng mức đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; phát huy lợi thế có nhiều di tích lịch sử với các địa danh nổi tiếng như Chiến khu Ngọc Trạo, Di chỉ hang Con Moong, Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, thác nước sinh thái Thạch Lâm, Lễ hội văn hóa Mường Đủ, Mường Đòn... để tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử góp phần phát triển hoạt động du lịch, dịch vụ...".

Những đổi thay trên quê hương Thạch Thành hôm nay chính là sự kế thừa những giá trị và bài học to lớn từ Chiến khu Ngọc Trạo. 70 năm qua, vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh và thử thách, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thành luôn kề vai sát cánh tiến bước với đồng bào, đồng chí trong tỉnh và cả nước trong mọi chặng đường cách mạng. Để hôm nay, cũng ý chí và nhiệt huyết ấy, Đảng bộ và nhân dân Thạch Thành đang ra sức xây dựng Thạch Thành phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến khu.

Hoa Mai