12:06 05/12/2012

“Vàng lỏng” đổi đời phụ nữ Marốc

Tại một vùng đất nghèo khó nhưng màu mỡ ở miền nam Marốc, những phụ nữ mù chữ người Berber ngày ngày miệt mài chiết dầu argan - sản phẩm kỳ diệu từ một loại hạt đặc biệt, đang giúp họ dần thoát khỏi đói nghèo.

Tại một vùng đất nghèo khó nhưng màu mỡ ở miền nam Marốc, những phụ nữ mù chữ người Berber ngày ngày miệt mài chiết dầu argan - sản phẩm kỳ diệu từ một loại hạt đặc biệt, đang giúp họ dần thoát khỏi đói nghèo.


 

Phụ nữ Berber đập vỡ hạt argan và phân loại để chiết xuất tinh dầu.

Nhờ tính chất chữa bệnh, nấu ăn và chế mỹ phẩm, tinh dầu argan được ví như “vàng lỏng” của Marốc và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước này sang phương Tây, nơi thứ nguyên liệu này được ứng dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và kem dưỡng da chống lão hóa.


Miền quê nằm giữa Essaouira và Agadir, hai thị trấn nghỉ mát nổi tiếng với những bãi biển lướt sóng bên bờ Đại Tây Dương, rợp bóng cây argan và đây đó là những đàn dê nhàn tản tìm thức ăn. Nhưng quang cảnh ấn tượng nhất với vùng đất này là những người phụ nữ Berber miệt mài chiết xuất dầu argan. Loại tinh dầu kỳ diệu này được xuất khẩu sang Canađa và Nhật Bản.


Cộng đồng người Berber chiếm một tỉ lệ lớn trong dân số địa phương. Ông Zahra Knabo, phụ trách hợp tác xã Ajddigue cho biết, hiện có 137 hợp tác xã sản xuất tinh dầu argan và đây là mô hình đã mang sự “tiến hóa” đến cho phụ nữ Berber trong vùng, vốn đa số là mù chữ và nghèo khó. “Ở vùng nông thôn này, phụ nữ thường chỉ chăn dê và nhặt củi trong rừng. Họ là những người đầu tiên thức dậy và người cuối cùng lên giường. Nay thì hầu hết phụ nữ làm việc trong các hợp tác xã đã có tiền tiêu. Một số còn đảm nhận hoàn toàn nguồn tài chính cho gia đình”, ông Knabo cho biết.


Khi đi vào hoạt động năm 1996, Ajddigue có 16 xã viên, sản xuất 200 lít dầu argan mỗi tháng, nhưng nay hợp tác xã đã có khoảng 60 xã viên, với sản lượng hàng tháng lên tới 1.000 lít và doanh thu trong năm ngoái là 4 triệu dirham (460.000 USD).


Tinh dầu argan ngày càng được ưa chuộng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Các khách hàng lớn từ Pháp, Italia đã tìm đến hợp tác xã Ajddigue, trong khi hợp tác xã Kaouki láng giềng thì đã làm ăn với một khách hàng lớn ở Anh từ năm 2009.


Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy tinh dầu argan có các tác dụng chữa bệnh, nhưng các nhà liệu pháp học thực vật còn cho rằng, loại dầu nhiều axít béo, vitamin E và các chất chống oxy hóa này còn đặc biệt hiệu quả đối với các loại tóc khô và làn da bị tổn thương.


Hằng ngày, những người phụ nữ ăn vận sặc sỡ ngồi trên sàn cửa hiệu Tawount, đập vỡ hạt argan, phân loại chúng vào các rổ, rồi dùng các công cụ thủ công bằng đá để nghiền hạt, chiết dầu vì vẫn chưa có các máy móc thay thế. Các sản phẩm sử dụng “vàng lỏng” argan rất phong phú, từ dầu ăn tới các loại mỹ phẩm như kem bôi tay, dưỡng da. Phần bã được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi còn vỏ hạt dùng để đun bếp.


Tuy vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ tinh dầu argan trong năm nay. Các khách hàng lớn ở châu Âu đã cắt giảm một nửa lượng hàng đặt. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất tinh dầu đã khiến nhiều hợp tác xã nhỏ như Tawount, vừa mở cửa hồi tháng 7 với 15 nhân công, rất khó khăn mới tiêu thụ được sản phẩm.


Một nguy cơ khác với thành công của các nhóm Berber là những công ty giả danh là hợp tác xã để tranh giành lợi nhuận. Ngoài ra, những ảnh hưởng xấu tới môi trường cũng được nhắc đến trong câu chuyện thành công ở Essaouira. Năm 1998, UNESCO từng quy hoạch 26.000 km2 vùng argan của Marốc là “khu dự trữ sinh quyển” nhằm đề cao tầm quan trọng của loài cây này trong chống sa mạc hóa cũng như góp phần cho đời sống kinh tế của cộng đồng dân cư địa phương. Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã đã tiến hành các dự án tái trồng rừng với sự tài trợ từ chính phủ và EU, nhằm khai thác argan một cách bền vững.


Thu Hằng