02:11 28/02/2011

Vàng đeo “lủng lẳng”

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố một thông tin rất nhạy cảm, đó là vào quý II/2011 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố một thông tin rất nhạy cảm, đó là vào quý II/2011 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

Theo nhiều nhà kinh tế học, chỉ có ở Việt Nam mới tồn tại việc kinh doanh vàng miếng chứ không nước nào có. Mà điều này lại dẫn đến hệ quả xấu cho nền kinh tế vì nhập siêu tăng do phải nhập khẩu vàng, nhưng sau đó chủ yếu là để dưới dạng dự trữ, tích lũy của người dân và doanh nghiệp, tất nhiên là cả đầu cơ để kiếm lợi. Bởi vậy, trong nhiệm vụ đẩy mạnh các biện pháp thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng được xem là cần thiết và đúng lúc.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài cho tồn tại vàng miếng, lượng tích lũy trong dân ước lượng đến cả trăm tấn sẽ được xử lý thế nào khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Tâm lý bán tháo hoặc ngược lại là gom hàng trước giờ G đều rất dễ gây ra tình trạng đầu cơ ngắn hạn, làm thiệt hại cho người dân và hỗn loạn thị trường. Cho nên một lộ trình xử lý “hậu quả” cần được ngành chức năng tính đến để không bị động trước diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, tập quán dự trữ vàng của người dân cũng không thể bỏ qua.

Lâu nay, sự tích lũy của nhiều gia đình hay việc mua bán những tài sản lớn như bất động sản vẫn thường được tính bằng vàng. Đây chính là yếu tố giúp cho thị trường vàng miếng ở nước ta nở rộ trong thời gian qua. Vậy cấm kinh doanh trong khi nhu cầu lớn liệu có dẫn đến tình trạng “chợ đen”? Thậm chí có ý kiến còn lo ngại doanh nghiệp sẽ lách luật bằng việc cho ra lò những đồ trang sức nặng hàng kg vàng để thay vàng miếng. Khi đó, những sợi xích (đúng nghĩa) bằng vàng có lẽ sẽ không hiếm (!?). Giống như cấm sàn vàng hoạt động đã nảy sinh sàn bạc, việc cấm kinh doanh vàng miếng sẽ có nhiều hệ lụy.

Ở nhiều nước, nhu cầu dự trữ, kinh doanh vàng của cá nhân, doanh nghiệp được thực hiện thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, có sự quản lý của Nhà nước. Tất nhiên, hoạt động kinh doanh này chỉ dưới hình thức ký sổ, chứ không phải mang những thỏi vàng “to tướng” đi giao dịch. Dưới góc độ quản lý, cấm kinh doanh vàng miếng công khai thì dễ nhưng ngăn chặn hoạt động chui mới khó.

Bởi vậy, rất cần những biện pháp quản lý tối ưu để thị trường vàng và ngoại hối (có liên quan) nói chung trở lại đúng nghĩa một kênh lưu thông của nền kinh tế.

Bắc Hà