07:09 26/07/2011

Vẫn thấy mình còn có ích cho cuộc sống này

Đường về bản Đồng Nghè II, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nhỏ bé, ngoằn nghèo, trơn nhẫy khiến những người bình thường điều khiển xe còn khó. Vậy mà, đối với anh thương binh Hoàng Thế Hùng, dù chỉ còn một chân, việc đi lại trên con đường này hàng ngày vẫn chỉ là "chuyện nhỏ".

Đường về bản Đồng Nghè II, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nhỏ bé, ngoằn nghèo, trơn nhẫy khiến những người bình thường điều khiển xe còn khó. Vậy mà, đối với anh thương binh Hoàng Thế Hùng, dù chỉ còn một chân, việc đi lại trên con đường này hàng ngày vẫn chỉ là "chuyện nhỏ". Vượt qua nỗi đau thương tích, bằng nghị lực phi thường, người thương binh hạng 2/4 đã tạo dựng nên cơ nghiệp là trang trại có đủ hệ thống vườn, ao, chuồng trại ngăn nắp, kiên cố... trên diện tích rộng tới hơn 10 ha.

Lên đường nhập ngũ ngay trước ngày thống nhất đất nước, người thanh niên trẻ Hoàng Thế Hùng đã có vinh dự được góp một phần bé nhỏ vào việc xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đầu năm 1979, theo sự điều động của đơn vị, anh tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc trên đỉnh tiền tiêu thuộc huyện Cao Lộc - Lạng Sơn. Trong một trận chiến ác liệt, anh đã bị vướng mìn của địch và được đưa về hậu phương cứu chữa. Phải đến gần một tuần sau, anh mới tỉnh lại nhưng một bên chân trái đã bị cắt bỏ do vết thương quá nặng.

Năm 1983, Hoàng Thế Hùng xuất ngũ, trở về địa phương, bắt đầu cuộc sống đời thường với khá nhiều khó khăn: Con nhỏ, vợ yếu, ruộng đất ít..., nhưng ý chí và nghị lực của người lính đã từng "vào sinh, ra tử" khiến anh không nhụt chí. Hai năm sau ngày trở về địa phương, anh xin với chính quyền cho khai hoang vùng đất dưới chân đèo Bông thuộc bản Đồng Nghè II. Khi đó, vùng đất này còn rất hoang sơ, cây cối, lau lách um tùm, thậm chí còn chưa có cả đường vào. Dựng lều, dựng lán cho gia đình ở tạm, vừa khai phá đất, vừa cọc cạch với chiếc xe đạp cà tàng đi khắp vùng Phú Lương buôn sắn, buôn gạo, cuộc sống của gia đình anh cũng bớt dần khó khăn. Ngay từ những ngày đó, anh đã tự lấy cây đẽo gọt rồi gắn thêm giá đỡ, tự chế thành công chiếc chân giả cho riêng mình. Sau này, dù đã được tặng một chiếc chân giả bằng chất liệu tốt, có tính thẩm mỹ cao nhưng anh Hùng vẫn thích dùng chiếc chân giả do mình tự "thiết kế" vì chiếc chân giả này thuận lợi hơn, khi leo dốc hay lao động nặng không bị ngã...

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp dưới chân đèo Bông, anh Hùng cho biết: Lúc nào ra khỏi nhà chở sắn, chở gạo thì thôi, chứ về đến nhà anh lại dính chặt với cái cuốc, cái thuổng. Nhiều đêm, anh tự mình cạy từng tảng đá rồi vần, rồi xếp thành những bờ kè để san đất thành ruộng, thành ao. Để có được hình hài trang trại như ngày hôm nay, với anh phải mất hơn 15 năm lao động cực nhọc, vất vả hơn cả những người bình thường. Tận dụng nguồn nước khe suối tự nhiên, trên triền đất dốc anh đã tạo thành 6 cái ao, mỗi cái rộng chừng 250 đến 300 m2. Ở những chỗ gần nguồn nước, anh tự san gạt được hơn 5 sào ruộng, phần đồi rừng còn lại anh trồng hơn 2 ha cây keo lai, vài ha chè, rồi nuôi thêm trâu, bò, lợn... Hiện tại, từ vườn chè, đồi cây, ao cá, thu nhập của gia đình anh đã đạt hơn 50 triệu đồng/năm và mức thu nhập ngày càng có triển vọng tăng thêm bởi một số nương chè, đồi cây của gia đình anh mới ở giai đoạn bắt đầu cho thu hoạch. Số thu nhập này tuy chưa lớn bằng các mô hình kinh tế khác trong vùng, nhưng cũng đáng để cho nhiều người học tập, nhất là về ý chí vượt khó vươn lên của người thương binh một chân.

Hiện tại cuộc sống kinh tế của gia đình anh đã khá ổn định, nhiều diện tích đất đồi, ao, ruộng anh đã chia cho các con lớn lập gia đình riêng để con tự tăng gia, sản xuất. Tuy sức khỏe không còn tốt như trước, nhưng anh thương binh Hoàng Thế Hùng vẫn say mê lao động. Hàng ngày, không đào đất, dọn đá thì lại phát cỏ, be bờ, chăm sóc đàn vật nuôi. Anh tâm sự: Lao động vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa có thêm thu nhập và để thấy mình còn có ích cho cuộc sống này...

Hoàng Thảo Nguyên