08:03 07/08/2012

Vẫn tăng giá nhiên liệu, vẫn cứu doanh nghiệp

Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu quan trọng như xăng dầu, điện, gas trong bối cảnh DN đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến dư luận lo ngại khó khăn đối với DN sẽ càng lớn hơn.

Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu quan trọng như xăng dầu, điện, gas trong bối cảnh DN đang đối mặt với nhiều khó khăn, như hàng tồn kho tăng cao, khiến dư luận lo ngại khó khăn đối với DN sẽ càng lớn hơn.

 

Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu không mâu thuẫn với các chính sách giải cứu doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Thậm chí, trong khi Đề án tháo gỡ khó khăn cho DN vẫn đang chờ thông qua thì việc cho tăng giá các mặt hàng thiết yếu còn bị đánh giá là có mâu thuẫn về chính sách đối với DN. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (6/8), đại diện của Bộ Công Thương đã làm rõ hơn về vấn đề này.

 

“Không có mâu thuẫn giữa việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu và các chính sách giải cứu DN”, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy trước câu hỏi của báo chí về điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.


Làm rõ hơn về chính sách điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, ông Quyền cho biết thêm, trong tất cả các nghị quyết, chỉ đạo của chính phủ đều thống nhất về việc phải vận hành giá phải theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, riêng giá một số mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu, điện... do liên quan tới người dân và cả nền kinh tế thì sẽ được thị trường hóa dần dần theo lộ trình.


Thực tế thời gian qua, như với giá xăng dầu thì từ năm 2009, Nhà nước đã có chủ trương thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên trong năm 2011, do biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới và lạm phát, Nhà nước lại phải can thiệp vào giá xăng dầu, khiến cho việc thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có diễn biến khác so với chủ trương trước, tức là Nhà nước lại phải can thiệp vào giá. “Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ vẫn là kiên định thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường”, ông Quyền khẳng định.


Vừa qua, khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 900 đồng/lít, có ý kiến cho rằng thay vì điều chỉnh tăng giá ở mức trên, Nhà nước có thể giảm thuế để giảm mức tăng giá. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nhận thấy rằng, Nhà nước chỉ nên can thiệp bằng thuế, hoặc cho trích quỹ bình ổn trong một số điều kiện nhất định. Vừa qua, với giá xăng dầu, Nhà nước chưa cần dùng các công cụ như thuế hay quỹ bình ổn để can thiệp mà chỉ cần cho điều chỉnh giá.


“Việc làm này của Nhà nước là cách để giá xăng dầu phải theo tín hiệu của thị trường. Khi tình hình kinh tế xã hội đã có những điều kiện thích hợp hơn, Chính phủ cần tiếp tục lộ trình thực hiện theo giá thị trường với một số mặt hàng, tức là giảm mức độ can thiệp của Nhà nước vào giá”, ông Quyền phân tích.


Việc điều chỉnh giá như giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm hoàn toàn không mâu thuẫn với chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN. Vì theo ông Quyền, cùng với việc điều chỉnh giá theo tín hiệu của thị trường, nếu DN khó khăn thì vẫn phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng.


Ông Võ Văn Quyền cũng bác bỏ nhận định cho rằng việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng gần đây liên tiếp giảm là một trong những cái cớ để cho DN tăng giá xăng dầu. Vì, giá xăng dầu theo cơ chế thị trường tức là phụ thuộc vào giá thế giới, khi giá xăng dầu thế giới tăng hoặc giảm thì giá trong nước cũng phải điều chỉnh theo.


Nhưng ông cũng cần lưu ý rằng, mặc dù đã trao quyền định giá cho DN song Nhà nước vẫn kiểm soát việc tăng giá theo trình tự và mức độ tăng chứ không phải DN muốn tăng và giảm lúc nào cũng được, muốn tăng bao nhiêu cũng được. Cũng không phải CPI âm thì mới tăng giá xăng dầu hay CPI dương thì giảm giá xăng dầu.


Việc tăng giá điện thêm 5% vào ngày 1/7 vừa qua cũng được nhiều báo chí chất vấn là sẽ làm khó DN. Làm rõ vấn đề này, tại cuộc họp báo, ông Trịnh Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: “Điện là hàng hóa đặc biệt, việc điều chỉnh tăng giá điện luôn được cân nhắc rất thận trọng.


Thực tế, từ cuối tháng 11/2011, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cân nhắc các yếu tố đầu vào của ngành điện đã đề xuất tăng giá trên 10%. Nhưng trên cơ sở cân nhắc thận trọng đối với giá điện nên ở cả hai lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất là vào 20/12/2011 và 1/7/2012, giá điện mỗi lần chỉ được điều chỉnh ở mức 5% để ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế vĩ mô.


Năm 2010 và 2011 để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, ngành điện đã lỗ trên 10.000 tỷ đồng do bán điện dưới giá thành sản xuất và 25.000 tỷ đồng do chênh lệch tỉ giá. Vì vậy, theo ông Cường, để đảm bảo giảm lỗ cho ngành điện và có điều kiện thu hút đầu tư vào ngành điện, giá điện sẽ từng bước theo giá thị trường vào năm 2013 theo các lộ trình thận trọng.


Ông Cường khẳng định: “Trong các lần điều chỉnh giá điện, các ngành chức năng cũng tính toán rất kỹ lưỡng tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Như lần tăng giá điện thêm 5% gần đây nhất, ngành điện vẫn thực hiện bán điện theo giá bậc thang, tức là với hộ nghèo và có thu nhập thấp, có mức sử dụng điện thấp thì vẫn được giữ nguyên giá. Với các DN thì mức tác động cũng không quá lớn, ngay như với đối tượng DN sử dụng nhiều điện như cán thép nóng thì cũng chỉ làm tăng giá thành sản xuất thêm 0,5%. Các ngành khác thì mức tác động từ việc tăng giá điện cũng không đáng kể”.



Thu Hường