12:16 12/12/2014

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 8 Luật

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đây là các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

* Đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại trong đăng ký và quản lý hộ tịch


Có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, Luật Hộ tịch chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại, gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch.

Luật đề cao tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh, đồng thời quy định việc cấp Số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh. Số định danh cá nhân là số được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác, đây cũng là số thẻ căn cước công dân được cấp khi đủ 14 tuổi.

Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (song song với cơ sở dữ liệu giấy), đồng thời kết nối với Cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về dân cư.

Luật mở ra cơ hội cho người dân có quyền lựa chọn phương thức phù hợp, thuận tiện nhất để thực hiện yêu cầu đăng ký hộ tịch như việc gửi hồ sơ trực tiếp, qua bưu chính hoặc thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến trong điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép. Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú trước đây. Luật cũng quy định rõ miễn phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.

Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.


Với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, cơ sở, Luật quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, trừ việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định, lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam. UBND cấp xã đăng ký các việc hộ tịch còn lại.

Thủ tục đăng ký hộ tịch được quy định theo hướng đơn giản, cắt giảm tối đa những giấy tờ không cần thiết. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch hiện nay, Luật đã luật hóa những quy định về tiêu chuẩn công chức làm công tác hộ tịch, đặc biệt là công chức tư pháp – hộ tịch phải có trình độ trung cấp trở lên, được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch và có trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.

* Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án.

Mặt khác, để phù hợp với thực tiễn, Luật sửa đổi theo hướng chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ người được thi hành án thành trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.

Luật bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án nhằm đảm bảo việc phân công rõ ràng, hợp lý trách nhiệm giữa Tòa án với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án; tăng cường trách nhiệm và hoàn thiện quy trình, thủ tục pháp lý để tòa án, theo chức năng của mình, giải thích, làm rõ nội dung bản án, quyết định do mình tuyên và giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan trong trường hợp làm thay đổi nội dung bản án, quyết định của Tòa án…

* Bảo đảm nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước trên cơ sở động viên hợp lý một số mặt hàng


Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung quy định “xăng các loại” thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo quy định trên, từ ngày 1/1/2016, nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật bổ sung quy định giá tính thuế đối với hàng hóa vừa chịu thuế bảo vệ môi trường vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá chưa có thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật thuế.

Về thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, Luật quy định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên: áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1/1/2016, 60% từ ngày 1/1/2017 và 65% từ ngày 1/1/2018.

Đối với rượu dưới 20 độ: áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1/1/2016 và 35% từ ngày 1/1/2018.

Đối với bia, từ ngày 1/1/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 là 60%; từ ngày 1/1/2018 là 65%.

Để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng nhiên liệu cồn từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường, Luật quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi đối với xăng sinh học là 8% đối với xăng E5 và 7% đối với xăng E10.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật thuế. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.


Luật quy định không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cá nhân trúng thưởng ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng do thực tế không xác định được thu nhập trúng thưởng. Nhằm bảo đảm đồng bộ với nội dung sửa đổi này, Luật quy định tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh ca-si-nô (bao gồm cả trò chơi điện tử có thưởng) từ 30% lên 35%.

* Tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Áp dụng mức thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn.

Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Về thuế giá trị gia tăng, Luật bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; chuyển ba nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Luật cũng bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

* Bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, Luật Đầu tư gồm 7 chương, 76 điều, quy định các nội dung nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc Hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà luật không cấm; củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo đảm đầu tư phù hợp với quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Luật cũng hoàn thiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; hoàn thiện chế độ phân cấp, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư; hoàn thiện các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

* Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp


Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Luật Doanh nghiệp là: thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung giảm chi phí, tạo cơ chế vận hành linh hoạt, hiệu quả cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên công ty; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các bên có liên quan tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 213 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

* Khắc phục hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, gồm 10 chương, 66 điều.

Luật giao Chính phủ quy định lộ trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đối với doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Các hình thức cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Luật cũng quy định nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; hoạt động quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra theo phân công, phân cấp; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có trách nhiệm thực hiện giám sát nội bộ.

* Hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; nhà giáo và người học; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề theo hướng mở rộng phạm vi, điều chỉnh đến đối tượng các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đối mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp gồm: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.

Chính phủ quản lý thống nhất về giáo dục nghề nghiệp và sẽ quy định cụ thể về cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương. Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.


Phúc Hằng
(TTXVN)