Xuân Quỳnh, người chưa từng cũ với thơ tình...

Nhân dịp Tuyển tập thơ "Không bao giờ là cuối" (tuyển tập mới nhất gồm những bài thơ tình viết tặng Lưu Quang Vũ và những bài thơ nặng đầy trăn trở, suy ngẫm về cuộc đời) của nữ sĩ Xuân Quỳnh ra mắt, với hai ấn bản tiếng Việt và tiếng Pháp (bản tiếng Pháp do dịch giả Nguyễn Minh Phương biên dịch)...


Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về thơ của chị vào chiều thứ hai, 28/2/2011, với sự góp mặt của các dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên. Một lần nữa để cùng ngoái lại ngắm nhìn người thơ tài hoa bạc mệnh này…

Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.


Xuân Quỳnh, đời thơ - đời yêu!

Nhận xét về Xuân Quỳnh, người trong giới bảo đời thơ Xuân Quỳnh cũng trọn vẹn là đời - yêu của người đàn bà, dù bao tổn thương, nghi vấn với người-yêu, vẫn không một lần chối bỏ tình-yêu. Trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa có người phụ nữ làm thơ nào đã nói về tình yêu bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn đến như thế:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Sóng)


Tình yêu trong thơ chị thật đẹp và trong sáng. Dù có những gian truân cách trở, nhưng bao giờ cũng trọn vẹn, cũng đến được tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa. "Sóng" và "Thuyền và biển" là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài thơ của những đôi lứa yêu nhau. Ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ đơn thuần chỉ là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khao khát được tự hoàn thiện mình.

Giai đoạn sau này, kể từ tập "Gió Lào cát trắng" trở đi, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh có thêm một giọng điệu mới, nhiều xao động và trăn trở. Người đọc bắt gặp trong thơ chị tâm trạng của một con người nhiều yêu thương, luôn khao khát và lo âu trăn trở. Cái tôi của nhà thơ hạnh phúc nhưng không hề bình yên thỏa mãn. Cái tôi đó luôn luôn ở trong trạng thái xao động, đang chờ đợi, đang băn khoăn... Trải qua những gian truân thử thách của đời sống, tình yêu vẫn say đắm, nhưng bớt dần cái vẻ rạo rực, sôi nổi mà trầm tĩnh, sâu lắng hơn...

Những bài thơ tình của Xuân Quỳnh thường có một vẻ đẹp giản dị, chân xác. Đôi khi chỉ bằng một câu hỏi tưởng như bâng quơ cũng đã mở ra một thế giới tình yêu đầy biến động và rất giàu nữ tính:

Cửa kính mờ trong mưa đẫm nước
Em chờ anh, anh có về không?
(Ngày mai trời còn mưa)


Thơ Xuân Quỳnh có nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, khi đắm say hạnh phúc, lúc day dứt suy tư. Nhưng xuyên suốt các tập thơ của chị là một tình yêu sâu nặng không nhạt phai. Có thể nói với chủ đề tình yêu, những đặc điểm của một tâm hồn thơ nữ ở Xuân Quỳnh được bộc lộ tương đối rõ. Dù có trải qua nhiều gian truân thử thách, nhiều cay đắng ngọt bùi, thì tận cùng vẫn là tấm lòng yêu thương tha thiết. Trong tâm hồn nhạy cảm của Xuân Quỳnh không có một thứ tình cảm nào buông trôi nửa vời...

Người "hồn nhiên" đến với thơ

Hình như Xuân Quỳnh ít phải bận tâm về việc đi tìm hình thức biểu hiện. Chị cũng không mất công nhiều lắm trong việc lựa chọn hình ảnh, chải chuốt ngôn ngữ. Xuân Quỳnh có một quan điểm rất giản đơn cái hay bao giờ cũng mới. Xuân Quỳnh không có ý định trau chuốt nghệ thuật thơ mình. Chị đến với những bài thơ một cách hồn nhiên. Nhưng khi đọc thơ Xuân Quỳnh, sẽ nhận thấy chị là nhà thơ có nghệ thuật biểu hiện tương đối vững vàng, nhuần nhuyễn. Trước tiên, đó là nghệ thuật trong cấu tứ. Cấu tứ trong thơ Xuân Quỳnh thường tự nhiên nhưng gọn ghẽ, sắc sảo. Trong khá nhiều bài thơ của chị ("Gió Lào cát trắng", "Làng", "Bàn tay em", "Mẹ của anh", "Thơ vui về phái yếu"...), những hình ảnh và cảm xúc tự nhiên đến dễ dàng, người đọc không hề nhận thấy một sự gò bó nào trong cấu tứ. Cho đến đoạn cuối với cái kết thúc bất ngờ, nhiều khi táo bạo, chủ đề của bài thơ mới vụt sáng lên, đạt hiệu quả mạnh.

Điểm đặc sắc hơn trong nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh có lẽ là giọng điệu thơ. Thơ chị có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà là cách cảm xúc, là giọng điệu của tâm hồn. Một giọng điệu không kiểu cách, khiên cưỡng, mà luôn tự nhiên, phóng khoáng. Chị thường hay chọn lời ru hoặc lấy cảm hứng từ lời ru làm giọng điệu cho bài thơ của mình ("Ru", "Lời ru", "Hát ru", "Hát ru chồng những đêm khó ngủ"...). Với những lời ru, Xuân Quỳnh đã chọn được một giọng điệu thích hợp cho tiếng hát của tâm hồn chị: Tâm hồn của một người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm và giàu đức hy sinh:

Ngủ đi, người của em yêu,
Này, con tàu lạ vừa neo bến chờ,
Trời đêm nghiêng xuống mái nhà
Biển xanh kia cũng đang mơ đất liền
Anh mơ anh có thấy em
Thấy bông cúc nhỏ nơi triền đất quê.
(Hát ru)


Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ nhận định, trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh là một tác giả nữ có phong cách và bản sắc riêng khá rõ nét. Trải qua năm tháng sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một di sản văn học thật đáng quý. "Đọc những tác phẩm của Xuân Quỳnh, chúng ta gần như hình dung được chị đã sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì? Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo của mình, các sáng tác của Xuân Quỳnh chính là đời sống của chị, là những tâm trạng thật của chị trong mỗi bước vui buồn của đời sống".

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN