Xin đừng làm hỏng lễ hội của ông cha

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất, tốn nhiều giấy mực của báo chí cũng như bình luận trên mạng xã hội là lễ hội.

Giẫm đạp nhau để cướp phết ở lễ hội truyền thống hàng năm của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Trong đó, mặt trái của lễ hội được đề cập, quan tâm nhắc đến nhiều hơn. Bất chấp nhiều biện pháp đã được đưa ra để chấn chỉnh, lễ hội vẫn không thể tránh khỏi những điều chướng tai gai mắt khó lường.

Nhiều người, nhất là lớp người đã có tuổi, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học dành trọn đời cho văn hóa đã không tránh khỏi đau lòng, phiền não mà thốt lên rằng: Xin đừng làm hỏng lễ hội của cha ông ngàn đời xây dựng lên từ bằng những thói thô tục, phản cảm, kém văn minh...

Mùng 6 tháng Giêng, 2 lễ hội lớn của miền Bắc là lễ hội chùa Hương và hội Gióng đền Sóc chính thức khai hội. Dù đã có kịch bản kĩ lưỡng đến từng chi tiết nhưng vẫn không tránh khỏi hình ảnh phản cảm, gây bức xúc cho xã hội.

Đó là hành động “tự phát” tung lộc của sư ông tại chùa Hương, kích thích đám đông tham sân si bất chấp tất cả lao vào tranh giành cướp lộc, thậm chí cướp từ tay người khác; hay tình trạng thanh niên trai tráng lao vào cướp lộc hoa tre ở hội Gióng...

Sau đó, ngày 13 tháng Giêng, Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) cũng không tránh khỏi cảnh người dân ùn ùn lao vào tranh cướp phết dù năm nay địa phương thông báo rộng không tổ chức cho người dân cướp phết mà chỉ dành riêng cho trai làng… Đó là những hình ảnh không nên xuất hiện trong những hoạt động văn hóa của dân tộc.

Vẫn biết hội là đông đúc, không tránh khỏi những lúc chen lấn, xô đẩy nhưng đến mức giẫm đạp, tranh cướp hỗn loạn thô thiển như đã nêu trên thì thật quá phản cảm, không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh.

Thêm vào đó, trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển rộng khắp và dễ dàng như hiện nay, những hình ảnh xấu xí trong lễ hội của người Việt sẽ nhanh chóng “phát tán” trên mạng internet toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, văn hóa của người Việt, ảnh hưởng đến di sản văn hóa đặc sắc được UNESCO công nhận.

Trong mắt nhiều người nước ngoài, hình ảnh văn hóa, di sản của Việt Nam chỉ có những hình ảnh méo mó, phản cảm. Tai hại thay!

Xưa các cụ ta đi lễ hội với lòng thành kính, tri ân công đức những người anh hùng, người có công với làng nước, dân chúng. Người đi hội hòa mình vào thế giới tâm linh cùng thánh thần mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

Lễ hội xưa cũng có phát lộc, song điều này diễn ra trong trật tự, người được lộc hoan hỉ, vui sướng. Nhưng đó là các lễ hội của làng, hầu hết là người trong làng tham dự.

Còn ngày nay, phàm các lễ hội lớn như chùa Hương, đền Trần, Yên Tử, hội Gióng, Bà chúa Kho… ngày càng cực kỳ đông đúc, vượt ra khỏi quy mô vốn có trong truyền thống, thậm chí có những lúc lên tới hàng vạn người đổ về một khuôn viên lễ hội chật hẹp.

Người đi hội ngày nay, phần lớn không trong tâm thế hoan hỉ như người xưa, thậm chí nhiều người còn đi theo phong trào mà không biết nơi mình đến lễ thờ vị thánh thần nào, công lao của vị đó với dân tộc ra sao, lịch sử di tích thế nào, học hỏi được gì ở các bậc tiền nhân…

Ban tổ chức lễ hội có tuyên truyền đến mấy mà người đi hội không nghe, không đọc, không nhập tâm thì cũng vô ích. Thế nên mới có chuyện đến đình, đền, di tích thờ thành hoàng mà lại niệm “nam mô a di đà phật” vốn chỉ nên đọc ở chùa; đến đền thờ thần chuyên về sức khỏe lại chăm chăm cầu tài, cầu lộc…Thế chả khác nào đánh đố thánh thần!

Lại nói đến chuyện lộc, Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Có thể thấy rõ quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường ở nước ta đã khiến người đi lễ hội chỉ chăm chăm đặt vấn đề lợi ích lên hàng đầu.

Bảng giá trị truyền thống “Phúc - Lộc - Thọ” cũng bị đảo lộn, “Lộc” luôn được đặt lên hàng đầu. Tâm lý đó khiến người ta bằng mọi giá phải giành giật cho được chữ “Lộc”, từ đó nảy sinh các hành vi tranh cướp vật thiêng ở nhiều lễ hội.

Nhiều nam thanh niên năm nào cũng lao vào tranh cướp lộc chỉ để… cho vui! Người ta không mảy may nghĩ rằng lộc không phải là thứ cướp mà có được. Lễ hội là tấm gương phản chiếu xã hội thực. Trong xã hội có tình trạng chạy chức, chạy quyền, tranh giành quyền lợi cho bản thân thì trong lễ hội sẽ là tranh lộc, cướp ấn…

Mặt khác, rất nhiều người đi lễ ngày nay có quan điểm lệch lạc cho rằng: Phải đặt lễ nhiều tiền thì mới là thành tâm, mới chứng minh được lòng thành với thánh thần. Ấy vậy là tiền lẻ được giắt khắp nơi, mọi chỗ người ta có thể giắt được, tờ ngược, tờ xuôi thiếu đi sự trang trọng, thành kính. Chưa kể có những người cuồng tín tới mức xoa tiền lẻ vào tay, chân tượng phật, tượng thần thánh xoa vào khắp người cầu may.

Ngoài ra còn có thực trạng đốt vàng mã, đồ mã. Người ta đã thống kê trung bình một năm có khoảng 50 ngàn tấn vàng mã được sử dụng, riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên dưới 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Thật lãng phí khi dùng tiền thật đổi lấy hàng tấn tiền giấy chỉ… để đốt.

Ông cha ta từ ngàn xưa đã xây dựng, để lại kho tàng văn hóa di sản đa dạng, phong phú giàu bản sắc cho thế hệ sau lưu giữ và trao truyền. Chính những di sản này đã góp phần định vị hình ảnh Việt Nam trên thế giới, rất nhiều di sản văn hóa độc đáo của ông cha đã được thế giới công nhận và tôn vinh.

Việc gìn giữ, phát huy các giá trị di sản quý báu đó phải dựa trên các giá trị cốt lõi, nhân văn cao đẹp, phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay chứ đừng làm biến tướng, làm hỏng lễ hội của cha ông.

Thanh Giang (TTXVN)
Lễ hội xuân đang đánh mất nét tôn nghiêm
Lễ hội xuân đang đánh mất nét tôn nghiêm

Lễ hội đền Phủ Na (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) diễn ra hàng năm từ Tết Nguyên đán kéo dài đến sau rằm Nguyên tiêu, thu hút hàng vạn lượt khách thập phương đến dâng hương, cầu lộc, cầu may. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tồn tại nhiều hình ảnh nhếch nhác, làm mất đi hình ảnh đẹp và và sự tôn nghiêm chốn linh thiêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN