Xem Mùi cỏ cháy: Có tuổi 20 nằm lại

Tiếng gọi mẹ xé lòng ta tan nát", câu thơ ấy tự nhiên bật ra trong đầu, cũng là lúc tôi không còn kìm được cảm xúc, cứ để nước mắt tự nhiên chảy tràn trên mặt.

Hình ảnh người lính trẻ gọi thật to "mẹ, mẹ ơi" khi đạn vừa trúng ngực, đã cứa vào tim tôi và để lại ở đấy một nỗi buồn... đầy ám ảnh.

Bốn chàng lính trẻ tinh nghịch trong một cảnh phim Mùi cỏ cháy.


Trước đó vài phân cảnh, bộ phim Mùi cỏ cháy (đang chiếu tại một số rạp trên toàn quốc) vừa mới cho tôi những tiếng cười khi một vị chỉ huy huấn thị lính của mình rằng đã chỉnh tề trong hàng ngũ thì ngay cả "kiến cắn không được gãi, con gái đi ngang cũng không được nhìn". Bộ phim cũng vừa mới đem đến cho tôi những cảm xúc lãng mạn khi chàng lính trẻ ôm đàn hát tặng một cô gái mới quen ở giếng nước đầu làng và hẹn rằng: Anh sẽ về. Người lính ấy lúc lên xe chuyển quân vẫn mộng mơ trong ngày đám cưới, đồng đội mình sẽ là phụ rể.

Những người lính trẻ ấy, cũng chỉ mới vài ngày trước đây thôi, đã bảo nhau rằng đừng quá bi quan khi dặn dò nhau "nếu có hi sinh, hãy chôn mình dưới một gốc bạch đàn". Và vài giờ trước thôi, những chàng trai 19-20 tuổi ấy còn trong sáng cất tiếng hát, còn lãng mạn đòi nghe đọc thơ, còn tếu táo diễn chèo cổ... hay vẫn rất lạc quan chờ ngày trở về được nằm cho mẹ cầm roi đét vào mông.

Ấy vậy mà...

Sự nghiệt ngã của chiến tranh. Bao nhiêu người không được trở về với mẹ. Bao nhiêu người mẹ không còn được gặp con mình.

Hoàng, Thành, Thăng, Long - bốn chàng sinh viên tuổi 20 ấy cũng như bao bạn trẻ khác đã xếp bút nghiên để tòng quân. Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc... (*). Những chàng sinh viên vào quân đội, mang theo những hồn nhiên học trò khi nghịch ngợm chụp hình với bức tượng một cô gái, mang theo những ký ức tuổi thơ với con ve, chú dế, và nỗi nhớ thường trực trong tim dành cho mẹ...

Và chiến trường mà số phận đã định đoạt cho họ là Thành cổ Quảng Trị của mùa hè năm 1972 đã mãi mãi đi vào lịch sử với cụm từ "mùa hè đỏ lửa". Hàng trăm người đã nằm lại ở đáy sông Thạch Hãn và biết bao xương máu phải vĩnh viễn nằm lại với đất cát Quảng Trị. Tổng đạo diễn Mùi cỏ cháy - NSƯT Nguyễn Hữu Mười - từng chia sẻ với kinh phí 5,2 tỉ đồng, sự bát ngát, điêu tàn của thành cổ - nơi được coi như "chiếc cối giã thịt người" trong 81 ngày đêm khốc liệt ấy - khó mà được thể hiện như thực tế. Nhưng chỉ với cảnh tái hiện 58 người lính trong đội hình 107 người ngã xuống trong cuộc vượt sông Thạch Hãn, những tiếng pháo, tiếng bom cùng dồn dập những cột sóng nước hòa với máu đã đủ dội sâu vào lồng ngực người xem những nhức nhối của chiến tranh, làm câu thơ Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm (**) trở nên day dứt hơn bao giờ...

May mắn không phải sống trong thời chiến, chỉ biết đến chiến tranh qua những câu chuyện kể, những thước phim... nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ làm tôi kinh tởm chiến tranh, kinh tởm những âm mưu bá quyền, những dã tâm súng đạn.

Bởi lịch sử sẽ đặt tên phe chiến thắng, phe thất bại. Nhưng như trong Mùi cỏ cháy, bên này chiến tuyến một người con phải gọi to tiếng mẹ, thì phía bên kia một người lính trẻ cũng đã nằm xuống, trong ngực áo là tấm hình người mẹ của mình. Chiến tranh đã lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng như thế... và làm chia lìa không biết bao phận người, làm tan nát những cuộc đoàn viên.

Trường tồn mãnh liệt và bền bỉ, dải đất này đã đi qua chiến tranh được một khoảng thời gian đáng kể... Nhưng vẫn còn đó những nỗi đau mất mát của những người mẹ, người chị, người vợ, người em, người yêu không được gặp lại người thân thương. Vẫn còn đó những kỷ vật, những chiếc cặp ba lá từ hậu phương vùi sâu trong lòng đất cùng những người "mãi mãi tuổi 20", vẫn còn đó những ngôi mộ chỉ kịp đánh dấu bằng hòn đá, cành cây, một nghĩa trang ở lòng sông đang chảy... Và vẫn còn đó trong lòng các cựu binh, những tiếng ve gợi nhớ xót xa mùa hè thời trai trẻ tiễn biệt đồng đội "ngủ ngon", những đêm trong suốt áp ngực về phương ấy/ gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai (***)...

37 năm hòa bình, nỗi bi tráng của mùa hè đỏ lửa cũng đã tròn 40 mùa ký ức; còn khát vọng nào hơn khát vọng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc? Cầu mong, không chỉ đất nước tôi, nơi nơi sẽ không còn bom rơi đạn lạc... để không còn người mẹ nào mất con, không còn tiếng gọi mẹ nào xé lòng như trong Mùi cỏ cháy...

(*) Thơ Thanh Thảo được dẫn trong phim.
(**) Thơ Lê Bá Dương.
(***) Thơ của nhà thơ - biên kịch Hoàng Nhuận Cầm.

Theo thethaovanhoa.vn

 
"Mùi cỏ cháy" giành giải Cánh diều vàng
"Mùi cỏ cháy" giành giải Cánh diều vàng

Lễ trao giải Cánh diều 2011 diễn ra tối ngày 17/3 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã chứng kiến chiến thắng khá "đậm đặc" của “Mùi cỏ cháy” - một bộ phim về đề tài chiến tranh, gây nhiều xúc động cho người xem.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN