Xem để yêu, để hiểu lịch sử đất Việt

3 đêm diễn ra mắt vở "Vua Phật" của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương VN đã mang tới cho khán giả những ấn tượng thật đẹp về một vở cải lương được dàn dựng nghiêm túc, có chất lượng và có sức hấp dẫn. Điều thành công nhất của vở đó là rất nhiều khán giả kể cả những khán giả lớn tuổi vô cùng tâm đắc khi mà qua vở diễn họ mới có thể cảm nhận được rõ hơn về đức vua Trần Nhân Tông, được tôn vinh là Phật hoàng hay Vua Phật bởi mà trước trước đó họ còn chưa hiểu kỹ. Qua sân khấu, hình tượng nhân vật lịch sử trở nên sống động và gần gũi hơn là những trang sách.


Một cảnh trong vở diễn

Với thời lượng 150 phút gồm 8 phân cảnh, vở diễn đã tái hiện một giai đoạn oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc. Đó là những năm tháng quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của các Vua Trần đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị.Điều thành công nhất của "Vua Phật", đó là không chỉ khắc hoạ đức vua Trần Nhân Tông một đấng minh, không chỉ lừng lẫy chiến công mà còn biết “dựng đạo - tạo đời”. Ở ông, “Vua đời - Vua đạo” là một.


Kỳ vọng viết kịch bản "Vua Phật" của TS Bùi Hữu Dược đã thành công khi ông muốn qua vở diễn này, khán giả, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận với lịch sử VN qua nghệ thuật cải lương. Với vai trò vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nên khi xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm Phật hoàng Trần Nhân Tông, tác giả Bùi Hữu Dược đã rất tôn trọng những dữ kiện lịch sử và tính cách nhân vật. Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết anh vô cùng tâm đắc với kịch bản bởi sự chặt chẽ, logic và những ý tưởng triết lý nhân văn mà tác giả nhấn mạnh. Chính vì vậy mà đạo diễn đã không cần hư cấu mọi chi tiết mà mang tới một lối dàn dựng mộc, giản dị và khai thác sâu các làn điệu âm nhạc bài bản của nghệ thuật cải lương và tính cách nhân vật. Cái mới chính là những yếu tố phụ trợ làm hấp dẫn cho sân khấu cải lương như trang trí mỹ thuật, phục trang, múa, ánh sáng và âm thanh hiện đại. Đặc biệt sự hỗ trợ kỹ thuật của màn hình led đã góp phần làm tăng hiệu quả làm mãn nhãn khán giả với những khung cảnh lớn như thành quách, chiến trận.


Có thể nói, "Vua Phật" là một sự “thử sức” mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam khi giao cho một ekip rất trẻ thực hiện, gồm các nghệ sĩ trẻ của nhà hát đảm nhiệm các vai diễn như: Nghệ sĩ Minh Hải (vai Trần Nhân Tông hồi I), Quang Khải (vai Trần Nhân Tông hồi II), Văn Đáng (vai Trần Anh Tông), Hoàng Tùng (vai Trần Thánh Tông)… và có cả sự tham gia của các sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, các nhà sư Học viện Phật giáo VN...


Đã thành công và giành nhiều giải trên sân khấu của Nhà hát cải lương VN nhưng nghệ sĩ Quang Khải, người thể hiện vai Phật hoàng Trần Nhân Tông ở phần 2 khi đã quy y chia sẻ: “Được giao vai Phật hoàng Trần Nhân Tông tôi rất hoang mang vì đây là một nhân vật đã đi sâu vào lòng người dân VN. Làm thế nào để khán giả tin rằng đó là Phật hoàng là điều rất khó khăn. Chính vì vậy, tôi đã giành nhiều thời gian để dự nhiều buổi giảng về đạo phật, tham vấn các nhà sư trong Giáo hội Phật giáo VN với mong muốn tìm hiểu kỹ về cuộc đời của vua Trần Nhân Tông cũng như cả thiền phái Trúc lâm, dòng thiền VN đời nhà Trần do đức vua sáng lập, đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại hoàng kim triều Trần, giai đoạn Phật giáo là Quốc giáo. Chúng tôi đã phát tâm ăn chay, niệm Phật, thiền định mỗi ngày để tìm được sự giao thoa đồng cảm”.


Các nghệ sĩ đã mang tới một lối diễn xuất tự nhiên nhưng cũng rất truyền cảm khi thể hiện sắc thái của từng nhân vật trong một vở lịch sử. Đặc biệt vai vua Trần Nhân Tông của Quang Khải đã thể hiện rất tốt phong thái của một nhà sư và thần thái của một bậc minh quân bởi phong cách biểu diễn đĩnh đạc, giọng ca đầy hào sảng. Với Vua phật nhân cách, trí tuệ siêu quần của vua Trần Nhân Tông được khắc hoạ qua những câu chuyện, chi tiết tưởng như bình dị nhất như việc ông gả Huyền Trân công chúa cho Vua Chiêm là Chế Mân, Cuộc hôn nhân đâu chỉ đổi lấy hai châu Ô, Lý mà xa hơn, cao hơn là thông qua việc bang giao này muốn đưa tư tưởng thuần hậu, nhân từ, đức hiếu sinh của người Việt cảm hoá dân tộc Chăm Pa đầy hiếu chiến. Cảnh vua Trần Nhân Tông dạy vua con là Trần Anh Tông về cách giữ nước cũng đã thể hiện được tư tưởng của tác phẩm.


Hơn 700 năm sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi Niết bàn, công hạnh của người vẫn còn nguyên giá trị để hậu thế noi theo. Vở cải lương "Vua Phật" như nhắc lại những giá trị to lớn của lịch sử đất nước, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Xem "Vua Phật" để thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, thêm tự hào về khí phách của cha ông. Một điều khá đặc biệt, vở cải lương "Vua Phật" được xây dựng từ nguồn vốn 100% xã hội hóa. Tất cả số lượng vé của 3 đêm công diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ vừa qua dều là vé mời miễn phí. Sau các đêm công diễn, "Vua Phật" được biểu diễn phục vụ công chúng vào Ngày giỗ Đức Phật Hoàng (1/11/2015 âm lịch), phục vụ Giáo hội Phật giáo VN và tổ chức biểu diễn tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo, các đình chùa và mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi cả nước với phương thức không bán vé mà tài trợ diễn miễn phí.


Sự thành công khi khai thác các vở diễn đề tài lịch sử trên sân khấu của Nhà hát Cải lương VN như "Mai Hắc Đế", "Vua Thánh Triều Lê", "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long", "Dấu ấn giao thời"… và giờ là "Vua Phật" đã cho thấy dẫu ở đề tài nào nếu biết cách xây dựng và khai thác thì vở diễn vẫn rất ăn khách. Điều đặc biệt là những vở diễn đề tài lịch sử này cũng đã được đồng nghiệp tâm phục khẩu phục, mang lại cho Nhà hát Cải lương VN những giải thưởng cao trong các cuộc thi, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc gần đây.


Bài, ảnh: Đào Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN