Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến đã hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa để rồi thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng, hình thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội qua nếp sống, lối ứng xử tao nhã, thanh lịch. Tuy nhiên, trong tiến trình đô thị hóa, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang bị mai một và có nguy cơ báo động. Làm thế nào để xây dựng được văn hóa ứng xử tốt đẹp ở Hà Nội đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội.
Thanh lịch, văn minh, hào hoa là văn hóa người Hà Nội. Ảnh: Vea.gov.vn |
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu ca vốn là niềm tự hào về vẻ đẹp văn hóa của người Tràng An - Hà Nội xưa. Thế nhưng, ở Hà Nội ngày nay đang tồn tại rất nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa.
“Lệch chuẩn” văn hóa sống
Ông Nguyễn Hòa, Vụ trưởng, Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, báo Nhân Dân kể, ông biết có những gia đình sống ở Hà Nội hơn chục năm, nhưng chưa một lần cầm chổi quét cầu thang cho dù lịch phân công treo ngay bên cạnh. Rồi có lần, thấy nhân viên thu tiền điện đến gõ cửa nhà hàng xóm, gọi mãi không được, ngỡ gia đình họ đi vắng, ông ra đóng hộ, dè đâu lát sau anh chồng lon ton sang trách: “Cháu ở trong nhà, chú nộp hộ cháu làm gì, để nó đến vài lần mới trả cho bõ ghét, bọn cháu toàn thế thôi!”, ông nghe mà không biết nói sao.
Ở những nơi khác như trường học, bệnh viện, cơ quan, doanh nghiệp… tình trạng thiếu trách nhiệm, vô cảm cũng thường xuyên xảy ra. Chính vì thế mà ông Hòa đã từng ví văn hóa Hà Nội hiện nay như “văn hóa bãi bia” với những diễn biến phức tạp và đang có biểu hiện “lệch chuẩn”.
Tiến sỹ Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ, dù rất yêu Hà Nội, nhưng bà đã rất buồn và rất “đau lòng” khi phải chứng kiến nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận cư dân sinh sống ở Hà Nội. Đó là những nhà hàng sẵn sàng mắng, chửi khách không tiếc lời, thậm chí còn “đốt vía” nếu khách vô tình mở hàng mà không mua. Trên các phương tiện công cộng, nhiều nhà xe thoải mái mắng chửi, thậm chí còn đánh cả hành khách. Một va chạm dù nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng, chửi bới, đánh đập. Nhiều dịch vụ công cộng của Nhà nước, người có công quyền hách dịch, hất hàm, nói trống không với cả khách lớn tuổi. Nhiều người xả rác bừa bãi ở bất cứ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào. Nơi công cộng biến thành những tiện ích khác: Chiếm dụng vỉa hè, công viên cây xanh thành nơi bán hàng, bàn ghế ngổn ngang, cản trở người đi lại. Ghế đá công viên thành “giường trời” cho không ít cặp tình nhân, nhiều người thản nhiên hút thuốc lá, gạt tàn nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi bất cứ chỗ nào. Một bộ phận dân cư Hà Nội thiếu tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống. Họ sẵn sàng quỳ mọp dưới chân thần tượng, nhưng lại không biết nói lời “cám ơn”, “xin lỗi” với những người lớn tuổi.
Cần thiết xây dựng văn hóa ứng xử
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội, kể cả cơ quan quản lý văn hóa cũng thừa nhận, chưa có thời điểm nào, vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Những hiện tượng tiêu cực gần đây trong văn hóa ứng xử đã trở nên đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của một thủ đô có bề dày văn hóa, lịch sử đang hội nhập mạnh mẽ với cả khu vực và trên thế giới.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do người Hà Nội hiện đại đang tiếp thu, giao thoa với nhiều hình thái văn hóa, đang sống vội vã và gấp gáp. Thêm vào đó, là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nên có nhiều người ở nhiều địa phương chuyển về sinh sống làm việc, làm mất dần đi những nét văn minh, thanh lịch của người Tràng An gốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thủ đô là nơi tích tụ anh tài bốn phương mà kết thành tinh hoa, chính sự dung nạp văn hóa của nhiều vùng đã xây dựng lên văn hóa Thủ đô. Và ta không nên nghĩ những người gốc gác Thủ đô mới là thanh lịch còn những người từ nơi khác tới không thanh lịch.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, điều “cốt lõi” sâu xa nhất của vấn đề chính từ nhận thức của mỗi con người đang sinh sống và làm việc tại đây. Do đó, để thay đổi, cần phải tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức, ý thức của người Thủ đô mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nhưng muốn bảo tồn và phát triển được văn hóa người Hà Nội thanh lịch, thì không chỉ là việc của một cá nhân, tổ chức, mà nó cần được chuẩn hóa, tuyên truyền và thấm nhuần vào mọi hoạt động của người dân, tổ chức, cơ quan công quyền hoạt động ở thành phố để hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm của một thành phố nghìn năm tuổi.
Nhận thức được điều này, Sở VH, TT và DL Hà Nội đang nghiên cứu lập đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội”. Theo đó, phạm vi khách thể nghiên cứu gồm: Cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất doanh nghiệp thương mại và dịch vụ, khu dân cư và khu vực công cộng. Đề án sẽ tập trung phát triển hệ thống quy tắc ứng xử, đưa ra những quy định cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng vừa thiết thực, vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ của mỗi cá nhân trước cộng đồng, xã hội.
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội: Cần “ánh sáng” để đẩy lùi bóng tối Một nhà thơ nước ngoài đã nói về trách nhiệm của mỗi cá nhân tham gia vào việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, vào những điều có nguy cơ gây hại cho mỗi người: “Nếu anh không cháy lên, nếu tôi không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên, thì làm sao ánh sáng có thể đẩy lùi bóng tối?”. Hy vọng rằng, mỗi cá nhân chúng ta, dù chỉ là một ngọn lửa nhỏ nhưng khi cháy lên sẽ góp sức cùng ngọn lửa nhỏ khác. Thắp sáng quan niệm sống tích cực, một thái độ ứng xử đúng mực, cùng cả cộng đồng chung tay xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Từ mỗi cá thể lành mạnh, chúng ta sẽ xây dựng một cộng đồng lành mạnh để chúng ta có cuộc sống có chất lượng cao, hạnh phúc hơn. GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội: Thay đổi từ nhận thức mỗi người Từ xưa tới nay, ở mọi nơi luôn có hai chuẩn mực điều chỉnh hành vi cư xử của con người: Chuẩn mực đạo lý và chuẩn mực pháp lý. Có những chuẩn mực đạo lý ta có thể chuyển thành chuẩn mực pháp lý, như việc nhiều cơ quan xây dựng quy tắc ứng xử cho nhân viên của mình. Song có những thứ "luật hóa" được, có những thứ không thể "luật hóa" như việc chống hủ tục trong cưới xin, ma chay, thăm nhau hỏi nhau khi ốm đau, nhường nhịn nhau trong cuộc sống… Những hành vi ứng xử này thuộc phạm trù đạo lý và chỉ có thể thay đổi từ nhận thức của mỗi người. Bà Nguyễn Thị Mão, quận Long Biên, Hà Nội: Gia đình có vai trò quan trọng Tôi cho rằng, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên ý thức và thói quen ứng xử thanh lịch, văn minh. Việc một người ứng xử thế nào phần lớn do được dạy dỗ từ nhỏ hoặc học theo những người trong gia đình. Khó có thể dạy một cháu bé biết nói lời lịch sự, nhã nhặn khi hàng ngày cháu nghe những người xung quanh mình văng tục, chửi bậy. Khó có thể dậy cháu bé đi đúng luật giao thông trong khi bố mẹ đèo cháu trên xe mà vô tư vượt đèn đỏ… |
Phương Lan