“Vũ điệu” của những cánh bướm

Nhìn những bức tranh sinh động được tạo nên từ những cánh bướm thiên nhiên hoang dã, bất cứ ai cũng không khỏi trầm trồ ngưỡng ngộ đôi bàn tay tài hoa của người tạo ra chúng. Và sẽ còn khâm phục hơn nữa khi biết rằng rằng để có được những tác phẩm “Đẹp - độc - lạ” ấy, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực rất nhiều để vượt qua hoàn cảnh vốn không may mắn như bao người khác.

Chị Ánh tâm sự, năm lên 4 tuổi, trải qua một cơn bạo bệnh, chân trái cứ teo dần khiến chị không thể đi lại bình thường như trước. Thế nhưng với ý chí, nghị lực phi thường cùng sự động viên khích lệ từ gia đình, chị đã vững vàng đứng dậy để bước tiếp. Vì đôi chân không được lành lặn và mong muốn học tập gần nhà để tiện cho việc đi lại, tốt nghiệp phổ thông, Nguyệt Ánh chọn theo học tại trường Trung học kỹ thuật và dạy nghề Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tình yêu, sự say mê đối với những con côn trùng, với loài bướm của chị có lẽ được bắt nguồn từ đây. Phòng thí nghiệm của trường là nơi chị dành phần lớn thời gian của mình để lui tới bởi đây chính là nơi lưu giữ những bộ mẫu vật côn trùng và đủ loại bướm đầy màu sắc quyến rũ. Cũng bởi thế nên chị Nguyệt Ánh càng băn khoăn trăn trở phải làm sao để lưu giữ và giới thiệu tới mọi người những khoảnh khắc đẹp nhất của thật nhiều loài bướm.

Nghệ nhân Nguyệt Ánh (trái) giới thiệu tới du khách những sản phẩm tranh bướm độc đáo.

Thời gian đầu, chị không nghĩ mình sẽ khởi nghiệp từ những cánh bướm mà chỉ làm tranh để thỏa mãn sở thích và tình yêu với thiên nhiên. Nhưng sau khi những bức tranh bướm ra đời, có nhiều người thích và ngỏ ý muốn mua, ý tưởng về một xưởng sản xuất tranh bướm bắt đầu từ đó. Nguyệt Ánh thuyết phục và huy động vốn từ gia đình để xây dựng xưởng sản xuất tranh bướm Ánh Kim. Đi vào hoạt động từ năm 2000, đề tài chị thể hiện trong những bức tranh bướm đều gần gũi với đời sống như: Tình yêu, các loài hoa, áo dài, phố cổ Hà Nội... Được thể hiện bằng nguyên liệu là những cánh bướm ghép lại thành nhiều mảng miếng khác nhau, kết hợp với tranh thêu tay, người nghệ nhân đã tạo nên những bức tranh bướm độc đáo, sống động, đầy màu sắc, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Theo nghệ nhân Nguyệt Ánh, để tạo ra một bức tranh bướm hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn như chọn bướm, ướp xác bướm, sấy khô, vẽ mẫu, lên khuôn... Sau đó, tùy vào ý tưởng và nội dung của từng bức tranh mà phải chọn những gam màu của cánh bướm cho phù hợp rồi kết chúng lại với nhau. Có bức tranh chỉ cần một con bướm, nhưng có bức lại cần đến hàng chục, thậm chí lên đến cả vài trăm con bướm. Làm tranh bướm, bên cạnh sự khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, người nghệ nhân còn cho thấy khả năng hội họa tinh tế được thể hiện thông qua những bức tranh bướm ấy. 

Một công đoạn làm tranh bướm.

Từ việc vẽ mẫu tranh, chọn màu tranh, đến việc phối màu, thay đổi sắc độ làm sao để bức tranh nhìn sinh động và có “hồn” nhất. Đặc biệt, công việc làm tranh cũng đòi hỏi người nghệ nhân phải rất kiên trì, tỉ mỉ. Vậy nên, có những bức tranh chỉ làm trong vài ngày, cũng có bức phải vài tháng mới hoàn thiện xong.

Để có thể chủ động nguồn nguyên liệu làm tranh, nghệ nhân Nguyệt Ánh còn tự tay xây dựng nhà nuôi bướm. Đến nay, chị đã sưu tầm được hơn 50 loại bướm với nhiều gam màu đặc trưng, điều này giúp chị thỏa sức sáng tạo và thể hiện những bức tranh của mình. Bằng sự cần cù, sáng tạo, nghệ nhân Nguyệt Ánh đã tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Chị đã được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; tranh bướm của nghệ nhân Vũ Thị Nguyệt Ánh cũng đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc triển lãm tranh ở Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế cùng nhiều giấy khen, bằng khen khác của các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Bài và ảnh: Quỳnh Như
Làm giàu từ hai bàn tay trắng
Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Từ hai bàn tay trắng, nhờ cần cù, chịu khó, ham học hỏi, đến nay gia đình ông Vàng Văn Đội ở bản Coóc Pa, xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lai Châu) có cơ ngơi khang trang với mức thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN