Vòng quanh kinh đô điện ảnh Bollywood

Mumbai - “thành phố của những giấc mơ” ở Ấn Độ - là trung tâm của nền công nghiệp điện ảnh Hindi hay còn được biết đến dưới tên gọi nổi tiếng Bollywood. Tên gọi này xuất hiện từ thập niên 1970, được cho là do một phóng viên ghép từ Bombay (tên cũ của Mumbai) với Hollywood, kinh đô điện ảnh ở nước Mỹ.

Đặc trưng “có một không hai” của phim Bollywood chính là những bộ trang phục màu sắc nổi bần bật, những điệu múa mềm mại trên nền nhạc dễ nhớ. Nằm trong số những kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới, mỗi năm Bollywood cho ra đời hơn 1.000 bộ phim lớn nhỏ, vượt qua cả Hollywood, dưới các thứ tiếng Hindi, Urdu và tiếng Anh. Để sản xuất được số lượng “khủng” như vậy, các bộ phim được dựng kịch bản rất nhanh chóng, nhiều lúc đạo diễn vừa quay vừa viết kịch bản cho tập tiếp theo. Trong khi đó, một diễn viên đôi khi còn “chạy sô” đóng cho bốn bộ phim cùng lúc. Đáng kinh ngạc, phim Bollywood đang phục vụ một lượng khán giả 3,6 tỷ người trên toàn cầu, đông đảo hơn phim Hollywood rất nhiều lần. Quốc gia tập trung nhiều người hâm mộ phim Bollywood ở ngoài phạm vi Ấn Độ nhất chính là Anh, nơi cách đây chừng nửa thế kỷ đã có rất nhiều người Ấn Độ chuyển tới sinh sống và mang theo nền văn hóa của họ. Ngoài ra, phim Bollywood cũng được người dân Nam Á, Trung Đông, Australia và châu Phi hưởng ứng nhiệt tình. 

Dàn diễn viên trong phim “Cô dâu 8 tuổi” được chiếu ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Hindu Times

Bộ phim ngắn đầu tiên do Ấn Độ sản xuất là “Lumiere Brothers” được chiếu lên màn ảnh vào năm 1899. Đây cũng là năm Bollywood ra đời, sớm hơn cả Hollywood của nước Mỹ (thập niên 1900). Theo dòng phát triển của nền điện ảnh thế giới, trong những năm đầu tiên hình thành, các bộ phim Bollywood sản xuất ra đều là phim câm đen trắng, dần dần đến những năm 1930 thì phim mới có âm thanh. Tiếp đến là phim màu và phim sử dụng kỹ xảo hiện đại như ngày nay. Bollywood không phải ngành công nghiệp điện ảnh duy nhất ở Ấn Độ. Ngoài ra còn Kollywood ở quận Kodambakkam thuộc thành phố Chennai, chuyên làm phim tiếng Tamil; Mollywood là các bộ phim tiếng Malayalam do các xưởng phim ở bang Kerala sản xuất và cuối cùng là Tollywood bao gồm phim tiếng Telugu và phim tiếng Bengali. 

Phần lớn các tác phẩm điện ảnh của Ấn Độ đều chú trọng tới ca nhạc, trong mỗi bộ phim thường có trên 10 yếu tố âm nhạc như các bài hát, điệu múa hay đoạn độc tấu nhạc cụ. Phim hiện đại ngày nay đã giảm bớt yếu tố ca nhạc hơn thời trước, thậm chí không còn sử dụng tính nhạc nữa. Đa số các đoạn ca từ trong phim không phải do diễn viên hát trực tiếp mà được thu sẵn. 

Mô típ phim Ấn Độ hiện nay có nội dung khá đơn giản, dập khuôn lẫn nhau. Các bộ phim sẽ xoay quanh một mối tình ngang trái bị gia đình cấm cản và phải đấu tranh sống chết cho tình yêu này. Ngoài ra, trong phim Bollywood còn xây dựng những mối tình “tay ba” rắc rối, một nhân vật nghĩa hiệp cao cả, một phụ nữ lả lơi và một nhân vật hài hước. 

Một điểm đáng kể khác trong phim Bollywood đó chính là việc không bao giờ có cảnh nóng. Do quan niệm xã hội còn nhiều định kiến nên hình ảnh đôi lứa nam nữ thân mật về thể xác xuất hiện trong phim sẽ khiến khán giả phải cau mày khó chịu. Bởi lẽ vậy ngay cả một nụ hôn cũng ít khi được chiếu lên màn ảnh. 

Đối với những người mới xem, phim Ấn Độ có diễn biến quá chậm chạp nên thường phải kéo dài đến hàng trăm, hàng nghìn tập mới hết được kịch bản. Với phong cách của các đạo diễn Bollywood, một trận đấu bóng phải kéo dài tới vài ngày, hay một lễ cưới cũng vậy. Điển hình như bộ phim Balika Vadhu (tên tiếng Việt: Cô dâu 8 tuổi) xoay quanh cuộc đời của cô bé Anandi bị gia đình gả đi từ khi còn nhỏ. Phim được khởi chiếu lần đầu trên kênh ColourTV của Ấn Độ vào ngày 21/7/2008 nhưng phải hơn 8 năm sau, ngày 31/7/2016 phim mới đi đến đoạn kết thúc

Những bộ phim chiếu rạp ở Ấn Độ xưa nay dài hơn 3 tiếng vì thế cũng là điều không quá khó hiểu. Hơn nữa, tâm lý của khán giả Ấn Độ cũng thích thú với việc chỉ cần bỏ tiền ra mua vé là có thể giải trí suốt một buổi chiều hoặc buổi tối. Song lý do lớn nhất để phim Bollywood có thời lượng dài lê thê chính là tính nghệ thuật, bắt buộc khán giả phải đầu tư thời gian và cảm xúc để theo dõi mạch phim. Tuy nhiên, phim Ấn Độ hiện đại đã rút ngắn dưới 3 tiếng vì sử dụng ít yếu tố âm nhạc hơn trước đây. 

Vấn đề nan giải nhất đang thách thức sự tồn tại của ngành công nghiệp Bollywood chính là nạn sao chép băng đĩa lậu. Việc khán giả xem phim rồi tìm cách ghi hình lại, bán hoặc chuyển tiếp cho người khác xem đã làm thất thu một lượng lớn doanh thu phòng vé của các bộ phim. Có một thực tế đáng buồn rằng, dù được cả tỷ người theo dõi, nhưng không phải bộ phim nào cũng thu lợi nhuận đủ bù đắp cho số kinh phí đầu tư sản xuất. Mặt khác, thế hệ khán giả trẻ cảm thấy mô típ phim Bollywood quá dập khuôn, dễ đoán nên họ không còn hứng khởi theo dõi như trước. Để lôi kéo lượng khán giả trẻ ổn định, các nhà sản xuất phim đang cố gắng đổi mới tư duy, xây dựng những kịch bản gần gũi với đời sống thường ngày hơn.
Hoàng Trang
Tăng cường hợp tác điện ảnh khối ASEAN
Tăng cường hợp tác điện ảnh khối ASEAN

Để hợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên là thế mạnh của ASEAN là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khi tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ IV vừa diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN