Vinh danh 78 công trình văn nghệ dân gian

78 công trình được vinh danh tại Lễ trao giải thưởng văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2016 do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức sáng 12/12 tại Hà Nội.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Năm 2016, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận được 103 công trình đăng ký dự giải. Sau quá trình chấm chọn, Ban Tổ chức quyết định trao 77 giải thưởng và tặng phẩm cho 78 công trình (trong đó có 2 công trình cùng nhận 1 giải thưởng), trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì A, 8 giải Nhì B, 24 giải Ba A, 20 giải Ba B, 18 giải Khuyến khích cùng 3 tặng phẩm. 

Hai giải Nhất của năm 2016 được trao cho công trình “Phật viện Đồng Dương - Một phong cách của nghệ thuật Chăm Pa” và "Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường”. Đây là các công trình có chiều sâu và nhiều phát hiện mới. 

Điệu múa quạt của dân tộc Thái trắng Lai Châu. Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN

Trong đó, công trình "Phật viện Đồng Dương - Một phong cách nghệ thuật Chăm Pa" của tác giả Ngô Văn Doanh đã khẳng định sự hình thành, tồn tại phong cách Đồng Dương của nghệ thuật Chăm Pa từ tư liệu điền dã của ông và tổng kết tư liệu của những người nghiên cứu trước đó. 

Còn công trình "Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường", chủ biên là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kiều Trung Sơn cùng các cộng sự Bùi Văn Thành, Nguyễn Tuệ Chi và Bùi Huy Vọng đã đưa ra một nội hàm riêng cho khái niệm “diễn xướng”, mở thêm một cánh cửa cho việc tiếp tục nghiên cứu sử thi Mo Mường.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng cho biết: Điểm nổi bật nhất của mùa giải 2016 là số lượng, chất lượng các công trình tham dự cao hơn những năm trước. Riêng về âm nhạc dân gian, năm nay có một số công trình đáng chú ý như: “Âm nhạc dân gian xứ Thanh” của Nguyễn Liên chủ biên và Hoàng Minh Tường; “Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh” của nhạc sĩ Trần Viết Bình và “Dân ca xứ Nghệ” của nhạc sĩ Đặng Thanh Lưu...

Năm 2016 là một mùa giải có nhiều công trình tốt. Bên cạnh những công trình sưu tầm đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ của Hội là hướng vào các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, có một số tác phẩm văn hóa dân gian tồn tại dưới dạng tổng thể, được cấu tạo bởi nhiều ngôn ngữ nghệ thuật, ngoài ngôn từ còn có âm nhạc, múa, tạp kỹ, nhưng tác giả không có điều kiện thu thập đã làm giảm tính toàn vẹn và giá trị đồng bộ của tác phẩm...

Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức mừng thọ cho 34 hội viên cao tuổi (từ 70-90).

Mỹ Bình (TTXVN)
Giáo sư Tô Ngọc Thanh tiếp tục là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian
Giáo sư Tô Ngọc Thanh tiếp tục là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 26 - 27/5 với sự tham dự của 273 đại biểu, đại diện cho hơn 1.100 hội viên trong cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN