Vị tướng mưu lược của cách mạng Việt Nam

“Đại tướng Lê Trọng Tấn là một cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đại tướng là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và thế hệ trẻ học tập noi theo”, Đại tá Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Việt Nam khẳng định tại buổi Họp báo giới thiệu về Hội thảo “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách  mạng Việt Nam”, chiều ngày 18/9/2014.

Đại tướng Lê Trọng Tấn


Nhà quân sự đức độ, mưu lược


Đại tướng Lê Trọng Tấn, tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1/10/1914 trong một gia đình trí thức, yêu nước tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm 1944, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, hoạt động tích cực và được giao nhiều trọng trách quan trọng. Tháng 8/1945, được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, tham gia chỉ đạo cướp chính quyền, giành thắng lợi.

Đứng trước những kẻ thù có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại vô cùng thâm độc như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đại tướng Lê Trọng Tấn đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra phương hướng, phương châm, giải pháp, cách đánh độc đáo, sáng tạo; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng ý chí, quyết tâm và thực lực cách mạng, tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đại tướng Lê Trọng Tấn lần lượt giữ các chức vụ quan trọng và chỉ huy đơn vị tham gia từ chiến dịch nhỏ đến chiến dịch lớn, góp phần làm nên chiến thắng Sông Thao (1949), Biên giới (1950), Trung du (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), đại tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu tiêu diệt cứ điểm Him Lam và trong đợt tiến công cuối cùng, chỉ huy đơn vị đánh vào sào huyệt địch, bắt sống tướng Đờ Cát và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp.

Nói về phẩm cách của đại tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Mạo, Viện trưởng Việt Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Trong công tác cũng như sinh hoạt, đồng chí luôn “dĩ công vi thượng”, luôn nhắc nhở cán bộ phải cảnh giác trước những cám dỗ của lợi ích vật chất và những tiêu cực trong xã hội. Những người đã từng gặp và làm việc dưới quyền đồng chí đều cảm nhận thấy sự gần gũi, cởi mở, không phô trương hình thức, lời nói đi đôi với việc làm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét “Đồng chí đã phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về 6 chuẩn mực của người làm tướng nên ở đâu cũng được cán bộ, chiến sĩ hết lòng yêu thương quý trọng”.

Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn được cử vào chiến trường miền Nam làm Phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy quân giải phóng miền Nam. Với kiến thức, kinh nghiệm, tài năng quân sự mưu lược, đại tướng Lê Trọng Tấn đã cùng quân và dân ta khẳng định, chứng minh ý chí, quyết tâm, khả năng đánh thắng giặc Mỹ, đưa cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

“Tôi có may mắn được làm việc với anh Tấn từ đầu năm 1972 đến tháng 4 năm 1979, thời kỳ tôi từ Mặt trận Tây Nguyên ra nhận nhiệm vụ Cục phó Cục Tác chiến, còn anh Tấn là Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1 và nhiều chức vụ quan trọng khác trong thời kỳ đó. Anh Tấn có phẩm chất cao đẹp, tính cương trực, thẳng thắn, sống có tình nghĩa, thủy chung, rất mực thương yêu đồng đội. Điều Anh quan tâm nhất là đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong nội bộ cấp ủy và thủ trưởng đơn vị”, Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức, Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu chia sẻ.

Vị tướng dũng cảm, quyết đoán


Trong cuốn “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự tài giỏi, đức độ”, NXB QĐND, Hà Nội, năm 2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go, phức tạp thế nào; đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ".

Đại tướng là Tư lệnh của nhiều chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Ông trực tiếp chỉ huy các binh đoàn cơ động đánh vào sào huyệt kẻ thù, bắt sống các bộ chỉ huy đầu não của địch, góp phần kết thúc hai cuộc kháng chiến vẻ vang của quân và dân ta; chỉ huy giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, đại tướng đã làm tròn nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN nói: “Thượng Đại tướng Lê Trọng Tấn trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã có nhiều cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một tầm cao mới. Đại tướng là một nhà lãnh đạo, chỉ huy tài năng, cương trực, quyết đoán “trí - dũng - nhân - chính - liêm - trung”, một trong những tướng lĩnh Việt Nam tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh”.


Việt Hoàng

Nguyễn Chí Thanh - vị tướng đức độ, tài năng
Nguyễn Chí Thanh - vị tướng đức độ, tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của “Anh bộ đội cụ Hồ”, với đầy đủ hình tượng cao đẹp, tầm vóc và ý nghĩa sâu xa của danh hiệu cao quý đó. Cách đây 47 năm, ngày 6/7/1967, đúng vào ngày dự định trở lại miền Nam công tác, ông đột ngột ra đi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN