Vì sự phát triển của sân khấu cải lương

Tìm ra quy luật phát triển, hoạch định một chiến lược dài hơi, gây dựng lại để có một tương lai lạc quan và đặc biệt làm thế nào để gìn giữ được loại hình nghệ thuật dân tộc cải lương Việt Nam đã tồn tại gần 100 năm qua, là những vấn đề trăn trở nhất được đề cập tại Hội thảo "Sân khấu cải lương giữ gìn và phát triển trong tình hình mới" vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo này.

NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho biết, từ khi đổi mới và hội nhập, đời sống văn hóa nghệ thuật có nhiều thay đổi. Đời sống sân khấu cải lương cũng chịu những tác động mạnh của thị trường.


Tiết tấu chậm chạp của ca diễn cải lương không còn phù hợp với thời đại. Các thủ pháp ca diễn trở nên cũ kỹ, nội dung thiếu hơi thở của cuộc sống, lạc hậu trước sự bùng nổ thông tin...


NSƯT Trần Minh Ngọc cũng chỉ ra hạn chế lớn nhất của cải lương hiện nay là: Kỹ thuật và nghệ thuật trình diễn cũ, không mang lại điều mới mẻ; diễn viên thiếu phong cách cá nhân trong biểu diễn; diễn viên trẻ thiếu tố chất và kinh nghiệm; vai trò của thầy tuồng, thầy đàn rất mờ nhạt, một phần do tác động của kỹ thuật điện tử; sân khấu, cơ sở hạ tầng rất lạc hậu.

Một cảnh trong vở diễn "Kẻ sỹ Thăng Long" do Nhà hát Cải lương Hà Nội trình diễn. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Vấn đề con người cũng được đề cập như là một trong những khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển cải lương. Đó là sự thiếu hụt, đến gần như không có, đội ngũ tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, họa sỹ trẻ... cho sân khấu cải lương hiện nay và trong tương lai. Muốn sáng tạo phải có nhân tố mới, nhưng điều này hiện lại là thứ cải lương đang thiếu.

Dù còn nhiều những bất cập, ý kiến khác nhau trong việc đóng góp phục hồi và phát triển cải lương, nhưng đa số các tác giả đều đồng ý rằng từ thực tế sân khấu cải lương cần có một chiến lược dài hơi và đồng bộ để cải thiện tình hình.


Chiến lược từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng như rạp diễn chuẩn về kỹ thuật sân khấu, đội ngũ sáng tác có tay nghề và am hiểu cấu trúc nội tại của tác phẩm ca kịch, xây dựng những chuẩn mực đạo đức diễn viên và lương tâm nghề nghiệp cho lực lượng diễn viên trẻ; xây dựng lực lượng tri thức trẻ làm công việc phê bình lý luận gắn với thực tiễn, đưa nghệ thuật cải lương vào giáo dục và đào tạo như một chương trình chính quy trong nhà trường...


Và quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo, những người có tâm huyết với nghệ thuật cải lương truyền thống, sẽ không chỉ đưa sân khấu cải lương đến với công chúng truyền thống, mà còn phải giúp cải lương chinh phục đến công chúng trẻ, công chúng tương lai gồm nhiều thành phần tri thức, sinh viên, học sinh.

Gia Thuận – TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN