“Về Làng” ở Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng

Vào những độ xuân về, hội chợ Hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, Tp. Hồ Chí Minh) luôn là một trong những địa điểm thu hút đông đảo nhân dân thành phố, bà con kiều bào, cộng đồng người nước ngoài đến tham quan.

Nếu như năm 2015, hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng chọn chủ đề “Mùa gặt” với mong muốn cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc thì năm nay với chủ đề “Về làng”, hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng mang đến thông điệp của một mùa đoàn viên. Bởi ai cũng háo hức trong lòng một mơ ước trở về. Về với gia đình, với những người thân yêu, với làng quê, về nơi thôn dã mộc mạc thanh bình, nơi chất chứa bao kỷ niệm êm đềm của một thời thơ ấu.

Theo ban tổ chức, tiếp nối thành công của những năm trước, đồng thời bám sát chủ đề đã được đăng ký bản quyền là “Hoa đồng cỏ nội”, Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Bính Thân 2016 sẽ mang đến cho khách tham quan một không gian văn hóa làng quê ở cả ba miền của đất nước. Và cùng với thông điệp “Về làng” nói trên, chắc chắn sẽ mang đến cho khách tham quan, nhất là những người con xa xứ, nhiều cảm xúc.

Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Bính Thân sẽ diễn ra từ ngày 1-7/2 năm 2016 (nhằm 23 đến 29 Tết), tại khu vực The Crescent (Hồ Bán Nguyệt), khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào 19h ngày 02/02/2016, tại sân khấu chính của chương trình. Các hạng mục Đường Xuân, Vườn Xuân sẽ phục vụ khách tham quan đến hết ngày mùng 6 Tết.

Một góc quan cảnh hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng năm 2015.

Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Bính Thân gồm 4 khu vực chính. Khu vực đầu tiên gọi là “Đường Xuân”. Đây là khu vực thể hiện rõ nét nhất chủ đề “Về làng” với những biểu tượng của làng quê được phục dựng. Đó là những chiếc cổng làng, hình ảnh đại diện tiêu biểu của nhiều làng quê Việt, gắn liền với sự ra đời và phát triển của làng.

                  Hình phác họa "Đường Xuân"

Khách du xuân sẽ có dịp tìm hiểu những đặc trưng văn hóa của các vùng miền, từ Bắc đến Nam, qua những chiếc cổng làng. Với người xa quê, những chiếc cổng làng hứa hẹn sẽ mở ra một không gian ký ức ngập tràn những hoài niệm thân quen về nơi chôn nhau cắt rốn. Cùng với chiếc cổng làng là con đường làng quanh co, như sợi chỉ bền chặt kết nối các gia đình trong làng lại với nhau. Từ con đường làng ấy, bao lớp người đã ra đi và ngày đêm mong mỏi trở về.

                                                 Cổng làng.

Cũng trên Đường Xuân, nhiều hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng của 3 miền đất nước cũng được phục dựng, đó là giếng làng của miền Bắc, là guồng xe nước, là thuyền thúng của miền Trung, là chiếc vó cá trên sông nước miền Nam …

                                                           Giếng làng.

Đặc biệt, để chào đón năm Bính Thân, những chú khỉ sẽ xuất hiện tại khu vực Đường Xuân qua tiểu cảnh mô phỏng một góc rừng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (thường gọi là Đảo Khỉ).

Khu vực thứ hai mang tên “Vườn Xuân”. Với tiêu chí cũng hướng đến chủ đề “Về làng”, khu vực này sẽ thật sự là một khu vườn dân dã với những cây trái mộc mạc làng quê như cà, ớt, bầu, bí, mướp, bưởi, mận, ổi, đu đủ, lựu … Thấp thoáng là những cánh mạ non, những đồng lúa chín vàng trĩu hạt, vườn cải hoa vàng rực rỡ, những ụ rơm vàng nơi trẻ con mê mãi chơi trốn tìm … gợi nhớ một miền quê gắn bó trong mỗi tâm hồn người Việt.

                                    Hình phác họa "Vườn Xuân".

Khu vực “Bến xuân” là nơi tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn của Hồ Bán Nguyệt, khu vực Bến Xuân luôn là điểm nhấn riêng, chỉ có tại Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng. Bến Xuân của Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Bính Thân 2016 sẽ tái hiện dòng sông quê hương dập dìu thuyền hoa xuôi ngược, sẽ có bến thả hoa đăng để mọi người nguyện ước duyên, tài, lộc, bình an trong dịp xuân về.

                               Hình phác họa "Bến Xuân".

Khu vực cuối mang tên “Góp xuân”, đây là khu vực mang tính cộng đồng cao của Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng, tại khu vực này sẽ trưng bày các tác phẩm hoa cảnh nghệ thuật từ các nghệ nhân, nhà vườn đến từ nhiều địa phương. Năm nay, khu vực “Góp Xuân” của Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng sẽ có sự tham gia đóng góp hoa cảnh của các nghệ nhân đến từ các vùng hoa kiểng nổi tiếng như: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, TP. HCM … với nhiều tác phẩm hoa cảnh nổi bật như: cặp me 150 tuổi được ghi sách Kỷ lục Việt Nam, cặp dừa 15 đọt... Khu vực này còn được tổ chức Hội thi “Hoa đồng cỏ nội” để tôn vinh các loại kỳ hoa dị thảo của làng quê Việt. Hội thi hoa lan và hoa sứ nhằm tô điểm sắc xuân thêm sặc sỡ. Tổng giải thưởng cho cuộc thi Hoa đồng cỏ nội, hoa lan, hoa sứ tại hội chợ Hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Bính Thân lên đến trên 200 triệu đồng.

Ngoài các hạng mục Đường xuân, Bến xuân, Vườn xuân, Góp xuân … Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng còn có các khu vực phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, ẩm thực của khách tham quan với 500 gian hàng hoa kiểng, 200 gian hàng phục vụ Tết. Tại sân khấu chính của chương trình, hàng đêm đều diễn ra chương trình văn nghệ hấp dẫn chào mừng năm mới với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Anh Đức
Tập trung mọi nguồn lực đảm bảo ATGT dịp Tết
Tập trung mọi nguồn lực đảm bảo ATGT dịp Tết

Ngày 14/1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã họp bàn triển khai các biện pháp quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp Tết Nguyên đán Bính Thân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN