Ứng xử với lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp, cũng còn không ít các vấn đề nảy sinh về quy mô lễ hội, cách thức tổ chức, hiện tượng… về thương mại hóa.

Lễ rước Chử Đồng Tử và Tiên Dung tại đền Đa Hòa - Dạ Trạch, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Nhằm thu nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về thực trạng quản lý lễ hội hiện nay cũng như giải pháp, ứng xử với lễ hội trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, sáng 24/3, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Ứng xử với lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại".

Nguyên nhân những bất cập nảy sinh trong lễ hội

Giẫm đạp nhau để cướp phết tại Hội Phết Hiền, huyện Tam Nông (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 7.000 lễ hội phân bố ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó tại vùng đồng bằng Bắc bộ là nhiều nhất. Lễ hội truyền thống với nhiều hình thức tổ chức phong phú, có vai trò không nhỏ trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Trong bối cảnh công nhiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta, văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có lễ hội đã được phục hồi và phát huy, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp vẫn tồn tại những "góc khuất", những hình ảnh phản cảm trong một số lễ hội gây nhiều tranh cãi. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội và cách ứng xử với lễ hội trong xã hội hiện đại.

Các ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nảy sinh trong lễ hội. Đó là do chính quyền địa phương chưa thể hiện được vai trò quyết liệt của mình trong quản lý lễ hội; ý thức của người tham gia lễ hội và người tổ chức lễ hội chưa tốt; khuôn khổ pháp lý tổ chức lễ hội chưa hoàn thiện; chưa có đủ các quy định để hướng dẫn cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, công tác tuyên truyền và định hướng cho người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Hoàng Thị Hoa, lễ hội phát triển theo sự phát triển của kinh tế, đặt ra vấn đề quản lý lễ hội đó như thế nào?. Bà Hoa đánh giá, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, mùa lễ hội 2017 vẫn thấy hiện tượng, hình ảnh không đẹp.

Vậy, liệu đã có đủ khuôn khổ pháp lý cho tổ chức lễ hội, những quy định cho Ban Tổ chức lễ hội, những quy định cho chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội. Đặc biệt tuyên truyền cho người dân đi lễ hội với tâm thế thế nào..?. Theo bà, hiện còn chưa có những nghiên cứu trong thực tế để ứng dụng vào các lễ hội.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, một vấn đề rất quan trọng, đó là phải nhận thức rõ lễ hội truyền thống trong thời đại ngày nay là gì? Ông Quốc nêu, trước kia, lễ hội chỉ tổ chức trong không gian làng, xã và hoàn toàn bị quy định bởi những tục lệ có từ này qua đời khác.

Ngày nay, đã có sự chuyển đổi trong phương thức tổ chức, khiến lễ hội trở thành sự kiện, tập trung yếu tố chính trị và không còn yếu tố lễ hội của địa phương nữa. Những hành động phản cảm trong lễ hội thể hiện sự chuyển đổi đó, cần phải có một cách ứng xử phù hợp, qua đó phát huy mặt tích cực và hạn chế những tiêu cực để lễ hội phù hợp với xã hội hiện đại.

Giải pháp và mô hình nào cho lễ hội truyền thống?

Thực hiện nghi lễ xuống đồng của đồng bào dân tộc tại Lễ hội xuống đồng ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Môi trường của lễ hội truyền thống Việt Nam về cơ bản là ở làng xã, có một số mô hình tổ chức cơ bản mang tính cộng đồng tự quản; kết hợp hình thức cộng đồng tự quản có sự trợ giúp của Nhà nước; có sự trợ giúp chủ yếu của Nhà nước; do tư nhân điều hành. Mỗi mô hình đều có mặt tích cực và bất cập riêng.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, để giải quyết những bất cập trên cần quay trở lại các giá trị cổ điển, đó chính là dân chủ, khoa học và đại chúng.


Bên cạnh đó, phải tạo ra lễ hội của thời đại. Ông dẫn chứng, lễ giỗ trận Quang Trung là lễ hội hiện đại, được tổ chức từ năm 1946, tồn tại cho đến bây giờ, chứa đựng những thông điệp về con đường phát triển văn hóa mới, hay lễ hội Đền Hùng, bây giờ trở thành di sản được cả thế giới công nhận.

Những vấn đề đó, trước hết phải dựa trên khoa học, nắm và vận dụng quy luật để tạo ra các yếu tố mới. Đồng thời phải thu hút quần chúng tham gia và tạo sự dân chủ, đồng thuận.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, cần gắn trách nhiệm của cộng đồng với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Vai trò tự quản của cộng đồng từ trước đến nay đã được đánh giá và đang còn nguyên giá trị trong quản lý, điều hành xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy, mô hình gắn kết giữa việc quản lý của cộng đồng với hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội sẽ mang lại hiệu quả và mang tính bền vững. Bởi nếu chỉ nặng về quản lý nhà nước trong hoạt động lễ hội thì chắc chắn sẽ dẫn đến hành chính hóa và sẽ xa rời với cuộc sống của cộng đồng; còn nếu buông lỏng trong cộng đồng mà không có sự quản lý, hướng dẫn của nhà nước thì sẽ phát sinh những vấn đề quy mô, đối tượng tham gia và những sự biến đổi của lễ hội cũng đang có sự vận động, như vậy thì chắc chắn sẽ không quản lý được những vấn đề lớn đặt ra.

Ông Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định không có một mô hình cụ thể chung nào cho các lễ hội. Một trong những vấn đề quan trọng đó là giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống, tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của nhà quản lý, người tham gia lễ hội và truyền thông, đề cao vai trò các nhà khoa học.

Để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy những mặt tích cực của lễ hội, các công tác khác cần được đẩy mạnh hơn nữa, như công tác đào tạo cán bộ quản lý, sự hợp tác quốc tế và kết hợp của nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và người dân.

Đặng Huyền (TTXVN)
Tưng bừng lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng
Tưng bừng lễ hội truyền thống làng nghề Bát Tràng

Hàng nghìn người dân Bát Tràng đã tưng bừng tổ chức lễ hội làng nghề với tâm điểm là lễ rước truyền thống, nhằm tôn vinh Đức tổ nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN