Ứng xử với 'di sản' cầu Long Biên - Bài 2

Cân nhắc các giải pháp


Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu một số phương án di dời, xây dựng mới cầu Long Biên, đa số các ý kiến đều cho rằng, cả ba phương án đều chưa hợp lý, bởi từ lâu, cây cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của người dân thủ đô Hà Nội.


Cầu Long Biên không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về giao thông.


Ba phương án được Bộ GTVT nêu ra để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan sau khi đã nghiên cứu gồm: Phương án 1 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn; phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu và phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn. Với phương án nào thì kinh phí di dời cũng gần 1000 tỷ đồng, xây dựng cầu mới cũng chừng 9 -10 ngàn tỷ đồng. Nhìn chung, dư luận có nhiều quan điểm, nhưng đa số các nhà lịch sử, quy hoạch kiến trúc và các nhà văn hóa đều cho rằng cả 3 phương án đều chưa hoàn toàn thuyết phục.


Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, nếu thực hiện theo phương án 1 thì sẽ biến cầu Long Biên thành bảo tàng vật thể chết, chứ không phải bảo tàng không gian sống, là một địa điểm lịch sử như hiện nay. Còn với phương án 2 và 3 đều không có ý nghĩa gì với địa điểm và giá trị lịch sử của cầu Long Biên, vì cần bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn địa điểm lịch sử chứ không phải trẻ hóa di tích để nó sớm bị mai một.


Với kinh nghiệm của người làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị lâu năm, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để có phương án thích hợp, cần thống nhất 3 nguyên tắc: Một là phải nhận diện đầy đủ giá trị cầu Long Biên. Hai là phải xem xét kế thừa cả quá trình đã nghiên cứu, đã đề xuất về cầu Long Biên trong thời gian qua để chúng ta có kế thừa một cách chọn lọc, không nên phủ định sạch trơn cái cũ để đưa ra cái hoàn toàn mới. Ba là việc nghiên cứu phát huy, bảo tồn cầu phải trên cơ sở quy hoạch chung của Thủ đô, trong đó có quy hoạch giao thông, mới được Chính phủ phê duyệt 2011 và quy hoạch chung của Hà Nội. “Phải quán triệt 3 nguyên tắc đó, phải nhận diện đầy đủ, toàn diện giá trị cầu Long Biên thì chúng ta mới có được giải pháp đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển được. Chiếu theo 3 nguyên tắc trên cho thấy, 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra là chưa đầy đủ và chưa có phương án nào thuyết phục”, ông Nghiêm nói.


KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, đến nay Hà Nội đã có 7 lần làm quy hoạch chung, đặc biệt trong quy hoạch năm 1992 và năm 1998 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên tại vị trí hiện có. Từ năm 2000 - 2001, giữa chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam cũng đã đặt ra vấn đề là bảo tồn và phát huy giá trị cây cầu. Khi đó, các chuyên gia đa ngành đều cho rằng, nên bảo tồn cầu Long Biên. Khi đó Pháp đã có một bản ghi nhớ với chúng ta, để tạo ra một sự hỗ trợ nhất định, nhưng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay chúng ta chưa làm được việc đó. Đến năm 2008, khi đặt ra những vấn đề về đường sắt đô thị, thành phố Hà Nội đã có nghiên cứu cụ thể và đã đưa ra dự án xây dựng một cây cầu Long Biên mới, cách thượng lưu cây cầu Long Biên hiện nay 186 m, tôn tạo nguyên trạng cầu Long Biên ở vị trí hiện nay. Khi đó, cả hội đồng kiến trúc quy hoạch, cả các chuyên gia đa ngành đều thừa nhận đây là giải pháp hợp lý, nhưng do khó khăn, chúng ta chưa thực hiện được. Do đó, trước khi kết luận nên ứng xử như thế nào với cầu Long Biên thì cần phải cân nhắc đến những vấn đề liên quan.


Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đến nay ông chỉ mới nghe nói có 3 phương án về cầu Long Biên, tuy nhiên phương án nào cũng “đụng” vấn đề rất ấu trĩ đó là bảo tàng. Nếu chúng ta nhấc nhịp cầu Long Biên ra chỗ khác để làm bảo tàng sẽ rất dễ tạo ra dư luận trái chiều.


Theo ông Dương Trung Quốc, bất cứ công dân nào của Thủ đô đều hiểu được giá trị của cầu Long Biên, nên trước khi chọn cách ứng với cầu Long Biên như thế nào thì cần tạo được sự đồng thuận cao của xã hội. Nếu như ngay từ khi mới hình thành ý tưởng về các phương án di dời hoặc xây mới cầu Long Biên, Bộ GTVT tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn liên quan như của ngành bảo tồn, bảo tàng, của ngành lịch sử, điều tra xã hội học… thì sẽ không dẫn đến phản ứng xã hội như hiện nay.


Phương Lan


Bài cuối: Tạo sự đồng thuận xã hội

Ứng xử với 'di sản' cầu Long Biên
Ứng xử với 'di sản' cầu Long Biên

Dù chưa được công nhận, nhưng trong lòng mỗi người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội, cây cầu Long Biên từ lâu đã là một di sản gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN