Tuyên truyền để không sử dụng biểu tượng, linh vật không phù hợp

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu biết, không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ĐặngThị Bích Liên tại Hội nghị sơ kết công tác triển khai thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam diễn ra ngày 12/1 tại Hà Nội.

Hình tượng con nghê của Việt Nam trên lư hương bằng gốm thế kỷ XIX và nghê bằng gỗ thế kỷ XIX được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục thực hiện bước 2 của công văn về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Bộ cũng đề nghị Cục di sản văn hóa tiếp tục có công văn thứ 2 triển khai hướng dẫn quản lý di tích theo luật; Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm định hướng về mỹ thuật nói chung trong đó có mỹ thuật về văn hóa linh vật; Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu đề xuất làm tiếp giai đoạn 2 với các công sở, nơi công cộng. Thanh tra bộ phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, xử lý vi phạm liên quan đến việc thực hiện Luật di sản, các công văn hướng dẫn tổ chức lễ hội và công văn 2662…

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị các nhà quản lý, khoa học, trên cơ sở sơ kết thực hiện công văn 2662, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, giúp Bộ, các cơ quan chức năng giải quyết tiếp các vấn đề đặt để làm tốt hơn nữa hoạt động bảo tồn, phát huy, văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội nghị đánh giá việc triển khai Công văn 2662 là rất kịp thời trước thực trạng sử dụng tràn lan hiện vật, linh vật ngoại lai theo mẫu của nước ngoài ở các di tích, công sở. Sau 5 tháng triển khai, chủ trương “không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam" bước đầu đã được người dân đồng tình, hưởng ứng; việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, thẩm mỹ trong di tích, công sở, nơi công cộng đã có chuyển biến, nhiều linh vật, biểu tượng không phù hợp đã được thay thế.

Người sản xuất linh vật tại các làng đá mỹ nghệ của Việt Nam như ở Đà Nẵng, Nình Bình đã ngừng sản xuất linh vật ngoại lai, thay thế bằng các sản phẩm tượng nghê, sư tử truyền thống của Việt Nam theo mẫu của Cục Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Triển lãm phổ biến. Đáng mừng là những mẫu linh vật thuần Việt này có chiều hướng được khách hàng ưa chuộng. Nhiều cá nhân đã giới thiệu, chế tác biểu tượng, linh vật truyền thống Việt Nam như Công nghệ 3D số hóa linh vật Việt hay việc phục dựng mẫu nghê thế kỷ XVII.

Tuy nhiên, trong việc triển khai thực hiện Công văn 2662, vẫn còn nhiều vướng mắc như: Khó khăn trong việc di dời linh vật; nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc thực hiện công văn 2662 chưa đồng đều; chưa có nhiều nghiên cứu, đề xuất giải pháp làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện...


Mỹ Bình (TTXVN)

Loại bỏ linh vật ngoại lai là sự kiện nổi bật của văn hóa 2014
Loại bỏ linh vật ngoại lai là sự kiện nổi bật của văn hóa 2014

Năm 2014, lần đầu tiên cuộc bình chọn hàng năm “10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” được giao cho báo Văn hóa chủ trì, với sự phối hợp của Văn phòng Bộ, báo Thể thao Việt Nam và báo Du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN