Tưởng nhớ bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, giúp đỡ người dân Cao Lãnh

Sáng 25/7, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã diễn ra Lễ giỗ lần thứ 203 của ông, bà Đỗ Công Tường - bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang và cưu mang, giúp đỡ người dân Cao Lãnh nói riêng và Đồng Tháp nói chung.

Chú thích ảnh
Thực hiện nghi thức diễu hành lễ nghinh sắc ông, bà Đỗ Công Tường. 

Mộ và đền thờ ông, bà Đỗ Công Tường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia.

Theo UBND thành phố Cao Lãnh, Lễ giỗ được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức, tấm lòng nhân ái của ông, bà Đỗ Công Tường đối với nhân dân và vùng đất Cao Lãnh; tuyên truyền, giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong và ngoài tỉnh đến cúng viếng, tỏ lòng tôn kính, ghi nhớ công ơn về tấm gương đạo đức của ông, bà Đỗ Công Tường đã khai khẩn đất hoang, cưu mang giúp đỡ người dân. Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, kết nối du lịch, địa phương tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố Cao Lãnh đến du khách.

Chương trình Lễ giỗ diễn ra trang trọng gồm Lễ cáo Hoàng thiên, lễ nghinh sắc, ngoài ra còn thực hiện sân khấu hóa tái hiện công lao của ông, bà Đỗ Công Tường. Lễ giỗ diễn ra từ ngày 24 - 27/7/2023 (mùng 7 - 10/6 âm lịch) với nhiều hoạt động quảng bá - kết nối du lịch, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: biểu diễn trải nghiệm làng nghề, nghề thủ công mỹ nghệ (nghề đan mê bồ, đan lục bình, quy trình làm trà tim sen, hạt sen sấy); triển lãm ảnh các thành tựu nổi bật 40 năm tái lập thị xã Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh); giao lưu biểu diễn thể dục dưỡng sinh; chương trình nghệ thuật cải lương tuồng cổ, đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp; Hội thi các món ăn chế biến từ xoài và bánh dân gian…

Theo tài liệu ghi chép, năm Đinh Sửu (1817), ông, bà Đỗ Công Tường (tục danh là Lãnh), sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà, tổng Kiến Phong, huyện Kiến Đăng, phủ Kiến Tường thuộc tỉnh Định Tường. Gia tư khá, tính tình cương trực, nên ông được dân làng cử giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tranh tụng trong làng. Đất hoang khẩn được ông, bà tạo lập một vườn quýt bên bờ rạch Thầy Khâm. Nơi đây được dân làng tập trung mua bán và ông, bà cho dựng chòi bằng tre lá thành chợ. Qua vài năm, chợ phát triển, nhân dân gọi là chợ Vườn Quýt hay chợ Ông Câu, chợ Câu Lãnh… thu hút người buôn bán gần xa.

Năm Canh Thìn (1820) xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông, bà Đỗ Công Tường đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông, bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 - 9/6 thì bà lâm bệnh và mất; ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh rồi qua đời. Dịch bệnh tả cũng nhanh chóng chấm dứt. Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ, lấy ngày mùng 9 - 10/6 làm ngày giỗ của ông, bà.

Hàng năm, nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đã đến dự lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường. Từ sáng sớm, bà Lê Thị Tuyết Mai (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cùng người thân đã đến đền thờ. Bà Mai cho biết, đây là lần đầu tiên bà được đến dự lễ giỗ để cúng viếng, thắp hương, tỏ lòng biết ơn công đức của ông, bà Đỗ Công Tường. Lễ giỗ diễn ra trang trọng, đảm bảo an ninh trật tự.

Tin, ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Lễ giỗ và công bố văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Lễ giỗ và công bố văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Ngày 3/7, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và UBND thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ giỗ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 323 (1700 - 2023) và Lễ công bố nội dung văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN