Tục thờ ông Địa - thần Tài ở Nam Bộ

Ở Nam Bộ, ông Địa - thần Tài được thờ phổ biến trong các gia đình người Việt, nhất là trong các cửa hàng kinh doanh, các công ty, xí nghiệp… Ông Địa, chính là vị thần trông coi, định dự họa phúc cho gia đình; thần Tài là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình.

Ông Địa có thể là vô hình, ở một số nơi ông Địa được hình tượng hóa là một người trung niên, bụng phệ, vẻ mặt hiền lành, miệng cười thoải mái, đầu quấn khăn, tay cầm điếu thuốc… Hình ảnh ông Địa còn xuất hiện trong đội múa lân, ông Địa thường có vai trò cản trở Lân trong việc nhặt tiền thưởng hay quà cúng của gia chủ.

Miếu thờ ông Địa, thần Tài, Neak Ta ở chùa người Việt.



Việc thờ thần Tài bắt nguồn từ điển tích: Ngày xưa, có người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo, được thủy thần cho một nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, giàu có. Một hôm, trong ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện sợ hãi chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, Âu Minh sa sút dần và nghèo túng.

Khi hình tượng hóa, thần Tài là một người đàn ông đứng tuổi, tay cầm vàng hoặc bạc, đầu đội mũ, trang phục nghiêm chỉnh.

Ông Địa và thần Tài được thờ chung trong một cái tủ, đặt ở dưới đất. Tuy bàn thờ để dưới đất, nhưng các vị này rất ưa chuộng sự sạch sẽ, sáng sủa. Vì vậy, trong quá trình thờ cúng, người thờ luôn giữ cho các vị này sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên bằng nước sạch.

Tủ thờ thường làm bằng gỗ, hoặc xây bằng gạch, đặt hướng thẳng ra phía cửa nhà, ở vị trí có vách dựa vào (để tạo sự vững chắc cho tủ thờ). Tủ thờ thường có bài vị viết chữ Hán: Ngũ phương ngũ thổ Long thần, tiền hậu địa chủ tài thần; bên trái là thần Tài, bên phải là ông Địa (theo hướng từ cửa nhìn vào trong nhà); Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn đặt vị trí hai tượng theo hướng ngược lại. Dù đặt hai tượng ở vị trí nào thì giữa hai ông luôn là bát nhang, phía trước là 5 ly nước, bình hoa và lễ vật cúng thần Tài, ông Địa. Trên nóc bàn thờ ông Địa, thần Tài, một số gia đình còn đặt tượng Di Lặc với ý nghĩa tượng trưng cho cơ quan chủ quản, quản lý không cho các vị thần làm điều sai trái.

Người Việt thường cúng ông Địa, thần Tài vào ngày 1 và 15 (âm lịch) hàng tháng và các dịp lễ Tết khác. Ở các gia đình kinh doanh, buôn bán, người ta cúng ông Địa, thần Tài quanh năm, họ tin rằng chỉ khi nào lo cho các vị thần này chu đáo hàng ngày thì các thần sẽ phù hộ, làm ăn thuận lợi. Sáng sớm khi mở cửa bán hàng, người ta thường thắp nhang cầu khẩn thần Tài phù hộ cho họ mua may bán đắt, cúng cho ông Địa một ly cà phê đen kèm theo một điếu thuốc để ông phù hộ cho trong ấm ngoài êm. Một số gia đình cúng thần Tài, ông Địa bằng trái cây: bưởi, cam, chuối,… Một số nơi còn cúng một đĩa tỏi có 5 củ tươi nguyên, hay một bó tỏi. Họ cho rằng tỏi giúp cho ông Địa có phương tiện để bài trừ các đạo chích vong binh, ám muội, giúp gia đình thờ cúng được bình an.

Hàng ngày mỗi sáng chỉ cần thay nước và thắp một cây nhang trên bàn thờ ông Địa, thần Tài. Những lúc cần cầu xin điều gì thì thắp 3 cây, cắm theo hàng ngang. Những ngày rằm, mùng một, lễ, Tết, thắp 5 cây theo hình chữ thập.

Trong tâm thức dân gian Nam Bộ, ông Địa được xem là một vị phúc thần, không chỉ có vai trò bảo vệ đất đai, ruộng vườn mà còn có nhiệm vụ đưa rước thần Tài đến nhà, nghĩa là làm cho gia chủ phát đạt giàu có, kiêm luôn việc giúp cho gia chủ mau lành bịnh và tìm kiếm được những món đồ đã mất.

Vào ngày Tết, vai trò của thần Tài và ông Địa càng được xem trọng hơn. Người Việt trang hoàng nhà cửa, sửa soạn tủ thờ sạch sẽ, nếu tượng thần này đã quá cũ hay bị hư thì sẽ thỉnh vị mới về, bàn thờ cũ hay bị hư cũng được thay thế bàn thờ mới. Họ tin rằng năm mới, mọi thứ đều ngăn nắp và bàn thờ thần Tài, ông Địa sạch sẽ thì làm ăn mới phát tài.

Ngày nay, một số chùa người Việt ở Nam Bộ còn lập miếu thờ thần Tài, ông Địa hoặc miếu thờ ông Địa, thần Tài chung với Neak Ta và các vị thần khác. Thần Tài, ông Địa vốn là phong tục của người Hoa, Neak Ta là ông Tà trong văn hóa người Khmer. Điều này thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng cộng cư sinh sống ở Nam Bộ.

Bài và ảnh: Ngọc Tú
Thành phố ngàn hoa Đà Lạt vào hội Tết
Thành phố ngàn hoa Đà Lạt vào hội Tết

Ngày 14/2 – ngày Lễ Tình yêu cũng là ngày 26 Tết, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, giải trí, vui xuân đã chính thức được mở màn tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt, đưa phố núi bước vào mùa lễ hội mừng Tết Ất Mùi 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN