Tứ kết lượt về Champions League: Công lý riêng của bóng đá!

Báo chí thể thao khắp thế giới, đặc biệt là báo chí Italia, đã chỉ trích dữ dội trọng tài Hà Lan, ông Bjoern Kuipers, người đã cho các cầu thủ Barcelona được hưởng 2 quả phạt đền trong chiến thắng 3-1 trước AC Milan, qua đó gián tiếp giúp Barca giành quyền lọt vào bán kết lần thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, bóng đá luôn có “công lý” riêng mà người chơi buộc phải chấp nhận.

Trọng tài Bjoern Kuipers rút thẻ vàng cảnh cáo Robinho (AC Milan). Ảnh: AFP/TTXVN


Đỉnh điểm của các cuộc tranh cãi trong trận lượt về là tình huống dẫn đến quả phạt đền thứ 2 ở phút 40, khi tỷ số đang là 1-1. Trong pha tranh chấp giữa Nesta và Sergio Busquets trước khi Xavi thực hiện quả phạt góc cho Barca, trọng tài Kuipers đã chỉ tay vào chấm phạt đền, đồng thời còn phạt thẻ vàng đối với trung vệ của Milan.

Quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Milan. Sau trận đấu, tiền đạo Ibrahimovic đã nói rằng: “Tôi đã hiểu vì sao Jose Mourinho luôn không thoải mái mỗi lần tới Nou Camp”, ý nói trọng tài đã thiên vị trắng trợn đối với Barca. Theo các cầu thủ Milan, trong những pha tranh chấp tương tự, thường các trọng tài sẽ nhắc nhở và cho thực hiện lại quả phạt góc. Những ông Kuipers đã không những phạt thẻ vàng Nesta, mà còn cho Barca hưởng phạt đền, tạo bước ngoặt của trận đấu.

Bản thân tờ báo Tây Ban Nha (tờ báo thân Real Madrid) còn cho đăng tấm ảnh chụp lại từ băng hình, cho thấy pha va chạm giữa Nesta và Busquets diễn ra trước khi Xavi sút bóng, nghĩa là vẫn chưa vào cuộc. Đó là chưa kể sau đó chính một cầu thủ Barca khác là Puyol cũng có hành động kéo người với cầu thủ Nesta.

Điều đáng nói là trong vài năm qua, Barca đã luôn giành chiến thắng trong các trận đấu quan trọng nhờ các quyết định có phần ưu ái của trọng tài. Năm 2009, họ vượt qua Chelsea ở bán kết sau khi trọng tài Na Uy Ovrebo bỏ qua ít nhất 2 quả phạt đền cho đội bóng Anh. Năm 2010, Motta của Inter bị đuổi sau hành vi ăn vạ của Busquets (lại là Busquets) trong trận lượt về ở Nou Camp (song rốt cuộc Inter vẫn đi tiếp). Năm 2011, Van Persie của Arsenal bị đuổi khỏi sân trong trận đấu ở Nou Camp (do cố tình đá bóng khi trọng tài đã thổi còi) vào thời điểm tỷ số vẫn đang là 1-1. Và lần này thì đến lượt các cầu thủ Milan trở thành nạn nhân.

Cần phải nói thêm là tình huống trên được xem là bước ngoặt của trận đấu, tạo điều kiện cho Messi ghi bàn thứ 2 từ chấm phạt đền (đầu trận Barca được hưởng 1 quả phạt đền nữa, sau đó Nocerino gỡ hòa cho Milan). Bàn thắng đó không chỉ giúp Barca lần thứ 5 liên tiếp lọt vào bán kết, mà còn đưa Messi đi vào lịch sử Champions League. Ở tuổi 24, Messi trở thành cầu thủ thứ tư cán mốc 50 bàn tại giải đấu danh giá nhất châu lục (51 bàn), sau Raul Gonzalez (đã có 71 bàn), Ruud van Nistelrooy (56) và Thierry Henry (50). Không những thế, cú đúp từ chấm 11 cũng giúp Messi cân bằng kỷ lục ghi 14 bàn tại Cúp C1/Champions League trong một mùa giải của huyền thoại Milan Jose Altafini trong những năm 1960).

Tuy vậy, cho dù các cầu thủ Milan có cay cú đến mấy thì họ cũng không phủ nhận được sự thật là Barca mạnh hơn hẳn và những gì diễn ra ở trận lượt về được coi là sự… bù đắp cho lượt đi, khi trọng tài bỏ qua ít nhất một quả phạt đền xác đáng của Barca. “Chúng tôi xứng đáng đi tiếp, một đội bóng 5 lần liền lọt vào bán kết thì chứng tỏ đội bóng đó có sức mạnh thật sự. Điều đó thể hiện qua việc chúng tôi đã tung tới 21 cú sút về phía khung thành Milan”, HLV Pep Guardiola của Barca nói sau trận đấu.

Các cuộc tranh cãi sau trận Barca-Milan đã làm lu mờ chiến thắng 2-0 của Bayern trước Marseille ở trận đấu diễn ra cùng giờ. Chỉ tung ra sân đội hình dự bị, song Hùm xám vẫn lặp lại được tỷ số lượt đi nhờ cú đúp của Ivica Olic.

Tuệ Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN