Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán

Sở Văn hóa và Thể thao vừa có tờ trình gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về Đề án tu bổ, tôn tạo, tái hiện xây dựng mới di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú hy sinh.

Chú thích ảnh
Bên trong nhà tù hiện nay có khu trưng bày những kỷ vật và quá trình hoạt động của Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh: dantri.com.vn

Theo đó, dự kiến Đề án hoàn thành năm 2024, nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Phú (1904 – 2024).

Di tích lịch sử Quốc gia Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được xây dựng từ năm 1876 - 1904. Đây là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện di tích đã xuống cấp (nhiều phòng giam bị xuống cấp phải đóng cửa, không phục vụ khách tham quan); các tài liệu, hình ảnh trưng bày đã bị mờ, trầy xước và một số bị rách. Nội dung trưng bày chưa đầy đủ do thiếu tài liệu, hiện vật và hình ảnh trưng bày. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo và trưng bày là cần thiết nhằm giải quyết triệt để tình trạng xuống cấp của di tích và nâng tầm nội dung trưng bày để phát huy giá trị di tích lịch sử này.

Đề án được triển khai từ năm 2022, hoàn thành vào tháng 5/2024, nhân dịp Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của đồng chí Trần Phú, nhằm tu bổ, tôn tạo di tích xứng tầm di tích quốc gia, là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú.

Đề án có tổng mức đầu tư khoảng 71 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, phạm vi đầu tư trong khu đất di tích (trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố) với diện tích 2.211 m2, tại địa điểm số 190 Bến Hàm Tử (nay là số 764 đường Võ Văn Kiệt), Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thực hiện Đề án, đơn vị chức năng sẽ tu bổ, tôn tạo trại giam (quy mô 822 m2), chốt canh (5,29 m2) theo kiến trúc nguyên trạng; tôn tạo sân vườn (1.145 m2); tu bổ tượng đồng chí Trần Phú và bia tưởng niệm; xây dựng bức phù điêu; giữ lại phòng giam thường, phòng giam chính trị và phòng giam đặc biệt (nơi đồng chí Trần Phú bị địch giam giữ và hy sinh), phục dựng cảnh trí lịch sử tại ba phòng giam này; trưng bày tài liệu, hình ảnh, chân dung, các bản trích trên các khung, đai vách. Cùng với đó, Đề án cũng sẽ xây dựng các công trình phụ trợ, mở rộng tuyến tham quan…

Cuối năm 2021, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận thống nhất chủ trương thực hiện Đề án. UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND Quận 5 đã tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà sử học về Đề án.

Tiến Lực (TTXVN)
Hà Nội dành 14.029 tỷ đồng tổng lực tu bổ, tôn tạo di tích
Hà Nội dành 14.029 tỷ đồng tổng lực tu bổ, tôn tạo di tích

Hà Nội có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN