Truyện Kiều và những giá trị xuyên thời đại

Đại thi hào Nguyễn Du và những tác phẩm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều từ lâu đã trở thành di sản quý giá, là niềm tự hào của dân tộc.


Tinh hoa văn hóa của nhân loại

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về đại thi hào Nguyễn Du, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã khẳng định, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông, và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại. Những sáng tạo của Nguyễn Du là sáng tạo gắn liền với sự chiêm nghiệm sâu sắc về đời sống, về những số phận, những kiếp người. 

Đại thi hào Nguyễn Du và các tác phẩm của ông đã trở thành một phần tinh hoa của nhân loại.

Nguyễn Du khóc thương cho những thân phận khổ đau, đặc biệt là số phận của người phụ nữ, lên án bất công xã hội, ước mơ giải phóng con người… Nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, về con người, số phận con người, về những cảnh huống của đời người. Đó không phải là những vấn đề của một thời mà của nhiều thời. Đó không phải là những vấn đề của một quốc gia, một cộng đồng, một con người mà là của toàn nhân loại… Cũng theo ông Đinh Thế Huynh, Truyện Kiều của Nguyễn Du có ý nghĩa như một bách khoa thư về đời sống. Nhiều nhân vật của Nguyễn Du, dù chỉ được phác họa trong một vài câu thơ, cũng đã thành những nhân vật điển hình. Nhiều nhân vật bước ra ngoài trang sách, thành biểu trưng cho một loại người, một tính người trong xã hội.

GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, sở dĩ Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa rộng lớn là bởi chính những giá trị tự thân của tác phẩm về nội dung nhân đạo và nghệ thuật sáng tạo thi ca bậc thầy của Nguyễn Du. Càng đi sâu vào Truyện Kiều, người ta càng phát hiện thêm nhiều tư tưởng văn hóa mới và càng thêm khâm phục, yêu mến Nguyễn Du. Trên tất cả, thi hào Nguyễn Du đã cất lên tiếng nói nhân văn cao cả về thân phận con người, niềm cảm thông sâu sắc với mọi kiếp chúng sinh thuộc mọi thời đại, ở khắp mọi chân trời góc biển.

Theo PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện văn học, hầu hết các học giả đều khẳng định Nguyễn Du có nhiều nhận thức mới mẻ so với thời đại ông. Điều đó trước hết thể hiện ở quan điểm cầm bút của nhà thơ. Nếu như phần lớn các nhà thơ trung đại Việt Nam thường dùng thơ ca để ngôn chí, tải đạo… thì Nguyễn Du thuộc số không nhiều những cây bút dùng thơ văn để ghi lại “những điều trông thấy” và miêu tả thực tại xã hội. Các nhà nghiên cứu cũng nhận định, Nguyễn Du là một trí thức nho sĩ đi trước thời đại, một thi nhân thức ngộ sớm.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng khẳng định, “Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy sáng tác theo một cốt truyện có sẵn của Trung Quốc, song tư tưởng của nó bắt nguồn từ văn mạch dân tộc, từ cội nguồn văn học dân gian và văn học viết thế kỷ XVIII. Ông không chỉ đã làm phong phú cho chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, mà còn từ cơ sở đó đổi mới mô hình tự sự của truyện, đổi mới điểm nhìn và thành phần ngôn từ trần thuật của tác phẩm, làm nên đỉnh cao chói lọi của văn học Việt Nam”.

Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, tuy mỗi người có những nhận định khác nhau, song hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao về tài năng của đại thi hào Nguyễn Du cũng như nội dung tác phẩm Truyện Kiều. Nhà nghiên cứu người Pháp R.Crayxắc nhận định, “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những áng văn kiệt tác của bất cứ đời nào nước nào cũng không thua vậy”. Nhà nghiên cứu người Nga N.Niculin thì đánh giá Nguyễn Du là “nhà thơ nhân đạo lỗi lạc”, còn nhà nghiên cứu Lưu Thế Đức - Lý Tú Chương (Trung Quốc) thì khẳng định, Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất của Việt Nam… TS.Bountheng Souksavatd, Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Lào thì nhìn nhận, Truyện Kiều hàm chứa nhiều quan niệm nhân sinh, triết học tôn giáo, thực trạng xã hội và khía cạnh tâm lý của con người, đầy đủ các phương tiện tốt - xấu, khen - chê, vinh - nhục, thịnh - suy, thiện - ác... muôn màu sắc khó mà diễn tả hết được. Và theo TS. Bountheng Souksavatd, Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn luôn tồn tại và thắp sáng trong mỗi con người Việt ở Lào, cho dù là người già hay người trẻ mà hiếm có tác giả và tác phẩm nào ngấm vào máu thịt của họ và có sức sống lâu bền đến vậy.

Truyện Kiều - bức tranh đời rộng lớn

Theo GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, trong hàng ngàn năm thống trị của chế độ phong kiến, Truyện Kiều đã xuất hiện như một vì sao lạ, bất chấp mọi rào cản của tư tưởng và ý thức hệ, của tâm lý và tình cảm trước sứ mệnh chở đạo và nói chí, mà hướng tới một bức tranh đời rộng lớn “những điều trông thấy”, phủ khắp gần như toàn bộ sự sống nhân sinh không chỉ “trăm năm trong cõi” một đời người, mà là cả thế gian rộng lớn của trăm họ.

Và ở bức tranh đời đó, lễ giáo gần như không có vai trò gì. Lễ giáo ở đây càng không gây cản trở gì cho tình yêu. Nguyễn Du đã để cho Kiều hết sức tự do trong tình yêu. Và không chỉ một cuộc tình, với một người là Kim Trọng... Vậy là, dẫu với tất cả những hạn chế, ràng buộc của tư duy và phương thức miêu tả của văn chương trung đại, Nguyễn Du vẫn xây dựng được một thế giới nhân vật sống động, làm nên bức tranh đời rộng lớn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thúy Kiều mà không có bất cứ tác phẩm nào trong văn học Việt, từ trung đại đến hiện đại, so sánh được. Cũng theo GS Phong Lê, hai câu thơ kinh điển “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” mà Nguyễn Du tổng kết ở cuối tác phẩm chính là thành tựu tuyệt vời, đưa Truyện Kiều trở thành tác phẩm lớn nhất và duy nhất của văn học cổ điển, có được giá trị của một “bức tranh đời”, với “những điều trông thấy”. Phải qua “những điều trông thấy” để đến với giá trị nhân văn “mà đau đớn lòng” chất chứa trong một trái tim lớn.

Theo GS Phong Lê, đọc Truyện Kiều, dường như ai cũng thấy số phận của mình trong đó, để giải thích hiện tượng tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... trong ngót 200 năm qua. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người hiện nay, người bây giờ. Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm hôm nay, năm 2015, nhân 250 năm sinh Đại thi hào; cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi của Nguyễn Du, mà là “nghìn năm sau” như khẳng định của Tố Hữu. “Phải bao gồm, phải gắn kết, phải xuyên thấm cả hai phương diện đó mới đúng là Nguyễn Du, mới tạo nên sự sống trường tồn của tác phẩm Nguyễn Du. Và đó chính là cơ sở cho một định vị về Nguyễn Du, cho hôm nay và cho mãi mãi”, GS Phong Lê khẳng định.

Phương Hà
Cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du
Cuộc đời đại thi hào Nguyễn Du

Trong 55 năm cuộc đời (1765-1820), đại thi hào Nguyễn Du đã để lại di sản thi ca đồ sộ với những bài ca đối đáp đậm chất phiêu du của một thời tuổi trẻ, như: Thác lời trai phường nón; văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; ba tập thơ chữ Hán là: Thanh Hiên thi tập; nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục gồm tổng cộng 250 bài; văn tế thập loại chúng sinh… Đặc biệt là Truyện Kiều nổi tiếng khắp thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN