Truyện Kiều qua lời kể đậm chất thơ của nghệ sĩ Pháp

Tối 30/5 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, nghệ sĩ sân khấu Isabelle Genlis thuộc Viện Văn học truyền khẩu đương đại (CLIO) đã trình bày truyện Kiều qua một bản cải biên tiếng Pháp có tên "Kim Vân Kiều" hay "Trò đùa của số phận" trên nền nhạc đệm đàn tranh của nghệ sĩ Hồ Thụy Trang. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) - Danh nhân văn hóa thế giới.

Sân khấu biểu diễn được bài trí đơn giản với phông nền màu nâu sẫm. Nghệ sĩ Isabelle Genlis ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, bên cạnh là nghệ sĩ đàn tranh Hồ Thụy Trang. Bằng chất giọng trầm ấm, khi thủ thỉ, tâm tình, khi da diết, mênh mang, khi đau đớn, dữ dội, Isabelle Genlis đã đưa khán giả về với khung cảnh của thế kỷ 17 và câu chuyện xót thương của người con gái tài sắc vẹn toàn Thúy Kiều phải hy sinh tình yêu, bán mình để lấy tiền chuộc cha trong cơn nguy biến.

Cách kể chuyện đặc sắc cùng từ ngữ đầy hình ảnh, đậm chất nhạc và thơ kết hợp với lối diễn duyên dáng, nhẹ nhàng của nghệ sĩ Isabelle Genlis đã chinh phục đông đảo kiều bào và bạn bè Pháp có mặt tại đêm diễn. Trong khoảng thời gian hơn một tiếng, khán giả bị cuốn theo câu chuyện 15 năm lưu lạc của nàng Kiều với các cao trào và nút thắt như cảnh Kiều và Kim Trọng ước hẹn thề nguyền dưới trăng, các lần Kiều bị đưa vào lầu xanh, bị Hoạn Thư đánh ghen, Kiều và Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn nhưng được cứu thoát rồi đi tu…

Nghệ sĩ Isabelle Genlis cuốn hút người nghe bằng giọng nói lên bổng, xuống trầm và cách thể hiện duyên dáng, sống động.


Nhiều khán giả người Pháp chưa từng một lần biết đến truyện Kiều, sau khi nghe nghệ sĩ Isabelle Genlis kể chuyện, đã không cầm được nước mắt, bày tỏ sự cảm thông, xót xa cho thân phận người phụ nữ bị dập vùi trong chế độ phong kiến. Còn với những khán giả đã nắm được cốt truyện thì chia sẻ sự xúc động nhờ cách kể chuyện truyền cảm đã tạo ra sự đồng điệu giữa những tâm hồn.

Nghệ sĩ Isabelle Genlis tốt nghiệp Đại học sân khấu Saint Germain và đạt giải nhất về kỹ năng diễn xuất. Chị đã làm việc cho nhiều công ty khác nhau, hợp tác với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp và châu Phi, những người đã truyền dạy cho chị nghệ thuật kể chuyện như là một loại hình nghệ thuật truyền khẩu nhằm giới thiệu rộng rãi với công chúng những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, tránh tình trạng các tác phẩm có sức sống vĩnh hằng đó chỉ được biết đến trong giới nghiên cứu và học thuật.

Về làm việc cho Trung tâm Fahrenheit của Viện Văn học truyền khẩu đương đại, chị đã chủ động đề nghị với ban lãnh đạo là được cải biên và kể nhiều chuyện dân gian và cổ tích Việt Nam mà chị đặt tên là "Tiếng nói của Rồng", "Truyện ngụ ngôn cho trẻ em", "Lọ Lem của nước Pháp" hay "Tấm, Cám của Việt Nam"…

Buổi diễn đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.


Chị luôn cảm thấy gắn bó với đất nước Việt Nam do chị mang trong mình một phần dòng máu Việt. Sợi dây liên kết huyết thống đó đã đưa chị đến với các tác phẩm văn học trong đó chị đặc biệt yêu thích tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chính chị đã viết bản chuyển thể tiếng Pháp với độ dài tương đương với hơn một giờ kể chuyện từ 3.254 câu thơ lục bát của Nguyễn Du. Cảm thông với người con gái hiếu nghĩa bị sóng gió cuộc đời xô đẩy và bị chà đạp về nhân phẩm, chị đã đặt tên tác phẩm là "Kim Vân Kiều" hay "Trò đùa của số phận". Sau đó chị đã dành thời gian học thuộc lòng từng câu, từng chữ, luyện tập cách thể hiện sao cho lôi cuốn, hấp dẫn, có sự tương tác với người nghe. Chị đã mất 3 năm lao động cật lực để hoàn thành công việc đó.


Trao đổi với phóng viên TTXVN sau buổi diễn, chị nói: Truyện Kiều là một kiệt tác kết tinh nhiều giá trị vĩnh cửu của nhân loại. Tôi đã nỗ lực để giới thiệu nó bằng một hình thức độc đáo và trong một ngôn ngữ khác với tiếng Việt và tôi còn tiếp tục làm việc đó trong thời gian tới. Trong bản chuyển thể, tôi cố gắng thể hiện ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ các diễn biến của câu chuyện, thể hiện rõ ràng tâm trạng và cảm xúc của nhân vật. Tôi cũng chú ý để người nghe nắm được cốt truyện mà không bị lạc giữa hàng loạt các nhân vật trong câu chuyện.

Từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong các năm 2013-2014 là Năm giao lưu Việt-Pháp, chị đã giới thiệu Truyện Kiều theo phiên bản kể chuyện của mình tại nhiều bảo tàng danh tiếng tại Paris như bảo tàng Quai Branly, Cernuschi, tại các trung tâm văn hóa, các liên hoan nghệ thuật, các trường đại học và trường phổ thông, thậm chí tại các bệnh viện cho bệnh nhân xem. Trong năm 2015 là năm kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, chị tiếp tục niềm đam mê của mình là giới thiệu Truyện Kiều tới đông đảo công chúng Pháp. Chị hạnh phúc khi nhận phần thưởng về cho mình là tình cảm của khán giả đối với tác phẩm Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du mà chị gọi là "Shakespeare" của Việt Nam.




Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Hội thảo Quốc tế 'Nguyễn Du và Truyện Kiều'
Hội thảo Quốc tế 'Nguyễn Du và Truyện Kiều'

Hiệp hội Giao lưu Văn hoá Hàn-Việt phối hợp với trường Đại học Chosun đã tổ chức Hội thảo Quốc tế chuyên đề “Nguyễn Du và Truyện Kiều”, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội và hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN