Trường Sa - sân khấu lớn của cuộc đời

Đi Trường Sa, một “đặc sản” không thể thiếu được khi lên các đảo là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các thành viên đoàn công tác và cán bộ, chiến sỹ trên các đảo. Những chương trình ca nhạc giao lưu dù mộc mạc, đơn giản, nhưng lại rất gần gũi và chứa đựng trong đó những tình cảm tốt đẹp nhất, sâu sắc nhất của đất liền với biển đảo quê hương.

 

Giao lưu văn nghệ tại đảo An Bang.

Đã thành thông lệ, trong mỗi đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa, bao giờ cũng có một đội văn nghệ để tham gia giao lưu với các chiến sỹ trên đảo. Thành viên của các đội văn nghệ có khi là chuyên nghiệp, cũng có khi là những nghệ sỹ không chuyên, thường xuyên tham gia phong trào văn nghệ quần chúng… Và ở Đoàn công tác số 3 (năm 2013) cũng không ngoại lệ. Dù không phải là các nghệ sỹ chuyên nghiệp, nhưng các thành viên trong đội văn công xung kích của Bộ Công an đã mang đến những chương trình văn nghệ đặc sắc…

 

Chương trình biểu diễn đầu tiên của đội văn công xung kích là trên đảo Trường Sa lớn. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, anh chị em trong đoàn công tác đã có một chương trình giao lưu văn nghệ sôi nổi cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Trường Sa hát, đoàn công tác hát… người trên sân khấu thì biểu diễn hết mình, người dưới khán đài cũng nhiệt tình cổ vũ, sân khấu dưới chân cột mốc chủ quyền như một cây cầu nối tình yêu của đất liền với vùng biển đảo quê hương.

 

Cứ như vậy trong suốt hải trình của đoàn công tác, mỗi một đảo là một chương trình giao lưu văn nghệ đầy ý nghĩa. Những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, những bài hát về biển đảo, về tình yêu đôi lứa… dù là bài hát gì thì cũng được hát với tất cả tấm lòng nhiệt tình nhất, tha thiết nhất. Sân khấu biểu diễn có khi ở ngay dưới cột mốc chủ quyền, có khi trong hội trường, cũng có khi ngay dưới tán những cây bàng vuông… nhưng dù ở sân khấu nào, thì các nghệ sỹ cũng đều hát hết mình, đều thể hiện hết mình để dành những điều tốt đẹp nhất, những lời ca tiếng hát tốt nhất tới các chiến sỹ nơi hải đảo.

 

Cũng chỉ ở Trường Sa, những món quà được khán giả dành tặng cho các ca sỹ mới độc và lạ đến thế: Có khi là một bông hoa do các chiến sỹ tự làm từ vỏ ốc biển, có khi là một trái bàng vuông “đặc sản” ở Trường Sa. Cũng có khi là bông hoa cải, hoa mướp vàng rộ được các chiến sỹ hái vội trong vườn… Dù là gì, thì đó cũng là những tấm lòng, những tình cảm sâu sắc mà các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ dành tặng cho các nghệ sỹ. Đáp lại những tình cảm chân thành ấy, các thành viên trong đội văn nghệ cũng cố gắng, nỗ lực hết mình để chia sẻ tình cảm với các chiến sỹ.

 

Cho đến tận bây giờ, các thành viên tham gia đoàn công tác số 3 vẫn không thể quên hình ảnh những cô ca sỹ trẻ Minh Thư, Thu Thảo, người say nắng, người say sóng đến mức không đi nổi, phải nhờ anh em trong đoàn dìu vào trạm y tế, nhờ bác sỹ quân y trên đảo cấp cứu, nhưng rồi chỉ khoảng 20 phút sau, các ca sỹ trẻ đã lại có mặt trong đội văn nghệ, vẫn hát, vẫn nhảy hết mình… Không chỉ riêng Minh Thư, Thu Thảo, mà các anh chị em khác trong đoàn cũng vậy. Nhiều khi mệt mỏi vì nắng, vì say sóng, có người vì hát nhiều mà khản cả tiếng, nhưng cứ vào đảo, gặp các chiến sỹ, anh chị em trong đội lại quên hết mệt mỏi, cố gắng hết mình tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ…

 

Ca sỹ Lan Hạnh, đội trưởng đội văn nghệ thanh niên xung kích Bộ Công an cho biết, khi ra đến đảo, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, cảm xúc trong chị dâng trào. Lúc đó không biết làm gì, chỉ biết cống hiến hết mình, dành toàn bộ tình cảm.

 

“Được đứng hát ở biển đảo Trường Sa là niềm vinh dự, là niềm tự hào mà không phải ai cũng có được. Sân khấu ở Trường Sa là sân khấu lớn nhất, có ý nghĩa nhất trong cuộc đời hoạt động văn hóa, văn nghệ của tôi. Những kỷ niệm trong chuyến công tác ở Trường Sa sẽ theo tôi suốt cuộc đời”, ca sỹ Lan Hạnh tâm sự.

 

Ca sỹ Lan Hạnh cho biết: “Khi mới được giao phụ trách đội văn nghệ xung kích và xây dựng các chương trình giao lưu văn nghệ, tôi tuy rất tự hào, nhưng cũng rất lo, vì chưa biết phải làm thế nào để chương trình hoạt động tốt. Cũng may là anh chị em trong đội cũng như các thành viên trong đoàn công tác hết lòng hỗ trợ, phối hợp. Nhiều bài anh em tập ngay trên tàu, cứ sáng tập thì chiều lại hát, tối về tập để sáng hôm sau hát… cứ như vậy, rồi các chương trình diễn ra tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc đối với các thành viên trong đoàn.

 

Cùng chung cảm nhận ấy, ca sỹ Quang Tuấn, thành viên trong đội văn công xung kích chia sẻ: “Được ra Trường Sa, được hát ở Trường Sa là một vinh dự, một cơ may và là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi. Khi cất tiếng hát giữa Trường Sa, tôi thấy mình trở thành cây cầu nối tình cảm giữa đất liền với biển đảo, rất gần gũi, thân thương”.

 

Tự hào, vinh dự, hãnh diện khi được đến Trường Sa, hát giữa Trường Sa, nhưng cái “được” lớn nhất của các thành viên trong đội văn nghệ nói riêng, đoàn công tác nói chung là sự thay đổi từ suy nghĩ của mỗi người sau chuyến công tác. Đến Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chứng kiến cuộc sống của các chiến sỹ, nhân dân trên đảo, tôi thấy tự hào về dân tộc, về Tổ quốc mình hơn. Từ ngày trở về, mỗi khi nghĩ đến Trường Sa, tôi luôn muốn làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn, luôn cố gắng, nỗ lực hơn nữa để có những đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước… - tâm sự này của ca sỹ Lan Hạnh, ca sỹ Quang Tuấn cũng chính là suy nghĩ của hầu hết các thành viên tham gia trong đoàn công tác Trường Sa năm 2013 vừa qua.

 

Bài và ảnh: Phương Lan

Chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa

Căn cứ theo bản đồ từ xưa và quản lý trên thực địa rõ ràng chứng minh là Việt Nam đã quản lý quản đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Về mặt pháp lý Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để khẳng định chủ quyền của ta tại 2 quần đảo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN