Trường Lũy được công nhận Di tích Lịch sử quốc gia

Đại công trình Trường Lũy theo sử sách ghi lại, được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII. Sự đặc biệt của Trường Lũy, theo phóng viên hãng CNN, Adam Bray nhận xét: “Trường Lũy của Việt Nam dù không dài bằng Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, nhưng đây chắc chắn là một Di tích Lịch sử - Văn hóa gây ấn tượng mạnh đối với thế giới ”. Cuối tháng 3 này Trường Lũy chính thức được công bố là Di tích Lịch sử quốc gia.

“Con rồng” bên Trường Sơn Đông

Một góc Trường Lũy ở Quảng Ngăi.Ảnh: Thanh Long-TTXVN.

Trường Lũy uốn lượn như con rồng bay qua đỉnh La Vuông, trên độ cao 800 mét, rồi trườn xuống qua địa phận 8 huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ, Đức Phổ ( Quảng Ngãi) và 2 huyện Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định). Nằm quanh co bên rìa phía đông dãy Trường Sơn, đứng ở đỉnh lũy nhìn xuống rất rõ Biển Đông màu ngọc bích. Di tích Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định được các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp tại Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam chính thức khai quật, nghiên cứu. Theo đó, Di tích Trường Lũy được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XV và cơ bản hoàn thành vào đầu thế kỷ XIX.

 ảnh: Đại sứ các nước Châu Âu tại Việt Nam thăm Trường Lũy tại 2 huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành (Quảng Ngăi). Ảnh: Thanh Long-TTXVN.

Trường Lũy là công trình kiến trúc lớn, đa dạng, trải dài trên những địa hình phức tạp, phải là sự lao động liên tục của nhiều thế hệ, qua nhiều thế kỷ. Tùy theo địa hình, lũy được đắp bằng đất hoặc đất lẫn đá, tại những nơi có độ dốc lớn, dễ bị xói lở, lũy được xây hoàn toàn bằng đá, những lớp đá được xếp chồng lên nhau, không cần vôi vữa, đạt đến độ tinh xảo. Cứ vài kilômét, xuất hiện một ô vuông rộng từ 40-100m2, cá biệt có những ô rộng cả hécta như ở Thiên Xuân, đây là nơi lính sơn phòng đồn trú để giám sát các cửa ngõ giao thương giữa hai miền xuôi - ngược. Trường Lũy có 115 đồn lớn, nhỏ như thế, mỗi đơn vị được gọi là “bảo”, mỗi bảo rộng chừng 100m2 được kè đá khá vuông vức.

Chứng tích và huyền thoại

Những nơi Trường Lũy đi qua, khung cảnh đẹp như tranh thủy mặc, tường đá rêu phong uốn mình theo những con suối, thung lũng, chạy men theo các đồi keo, nương mía, những cánh rừng quế đặc sản, có nơi Trường Lũy biến mất trong núi rừng trùng điệp. Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích một con đường cổ, chính là đường Thiên Lý nối Kinh đô Thăng Long với các tỉnh phía Nam. Đứng trên mặt lũy phóng tầm mắt ra xa, dễ dàng nhận ra núi Chúa ẩn hiện sau màn mây, có những địa danh gắn liền với nhiều huyền thoại như vườn Cam, suối Oan Hồn, trường Ngựa…

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang khảo sát đoạn Trường Luỹ tại Hành Dung, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Ảnh: Đăng Lâm-TTXVN.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận xét: “Lũy mang tính đa chức năng: Quân sự, kinh tế, giao thương, giao thông giữa iền ngược, miền xuôi, vừa là đường huyết mạch gắn kết đất nước. Để có được sản phẩm lao động như vậy, phải có sự tham gia của các tộc người, cộng đồng người, chứng tỏ sự đoàn kết và giao lưu văn hóa… Đi liền với nó là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, tiềm năng to lớn để phát triển ngành du lịch Việt Nam”. Ngày 9/3/2011, Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với công trình này.

Tuy nhiên, việc cần triển khai ngay sau khi Trường Lũy được công nhận là Di tích cấp quốc gia, theo Giáo sư Christopher Young, Trưởng Ban Tư vấn Hội đồng Di sản Anh: “Công tác bảo vệ cần được sự hỗ trợ từ các nhà quản lý, do Trường Lũy khá dài, lại ảnh hưởng tới những lợi ích của cơ quan, tổ chức xã hội, dân cư, lợi ích từ cấp tỉnh, huyện, xã. Việc bảo vệ phải dựa trên nguyên tắc không can thiệp, không phục dựng công trình, chỉ nên bảo vệ hiện trạng ”.

Hãy đến với Trường Lũy, lên đỉnh La Vuông để có dịp ngắm nhìn cảnh quan hùng vĩ, lắng nghe huyền tích một thời cha ông đi mở nước, và cảm nhận hồn thiêng sông núi trường tồn mãi với thời gian.

Đoàn Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN