Triển khai bảo tàng tương tác thông minh

Nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo chiều sâu là một trong những mục tiêu quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017.

Đây là nội dung được ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành và nhóm sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên về việc triển khai dự án Bảo tàng tương tác thông minh, ngày 4/1.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc nâng cao chất lượng hoạt động của các bảo tàng trên địa bàn thành phố không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử tốt hơn mà còn phát huy được tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, qua đó nâng cao chất lượng du lịch xứng tầm với quy mô phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Để phát huy hết giá trị mà các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đang có, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương triển khai dự án Bảo tàng tương tác thông minh dựa trên kết quả nghiên cứu công nghệ thông tin đã đạt các giải thưởng về sáng tạo tin học của nhóm sinh viên Trường Đại học khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, trong quý I/2017, dự án sẽ được triển khai ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích địa đạo Củ Chi. Đến cuối năm 2017, dự án sẽ được triển khai đến tất cả các bảo tàng, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin dành cho các bảo tàng sẽ đem lại rất nhiều tiện ích hiện đại cho người sử dụng. Du khách có thể xem, nghe được tất cả các thông tin liên quan đến bảo tàng, các hiện vật, tư liệu cụ thể bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thông qua các thao tác đơn giản trên thiết bị di động cá nhân. Bên cạnh việc tra cứu thông tin, Bảo tàng tương tác thông minh còn cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo 3 chiều. Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là có thể đem tất cả hiện vật ảo đến nhiều nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa mà không cần vận chuyển hiện vật gốc, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, học tập cho học sinh ở các địa phương không có điều kiện trực tiếp đến bảo tàng.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là một trong những bảo tàng lưu giữ nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật về con người, đất nước Việt Nam, trong đó có rất niều tư liệu, hình ảnh gốc về phụ nữ mà các bảo tàng khác không có. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ còn hạn chế nên thời gian qua bảo tàng vẫn chưa thu hút được khách tham quan, đặc biệt là du khách nước ngoài. Với việc triển khai dự án Bảo tàng tương tác thông minh bằng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, hy vọng các giá trị văn hóa, lịch sử mà bảo tàng đang lưu giữ sẽ đến được với nhiều người, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của công chúng và góp phần tạo sự đột phá trong thu hút khách du lịch đến với Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuân Anh (TTXVN)
Công nghệ thông tin khát vọng ra quốc tế
Công nghệ thông tin khát vọng ra quốc tế

Theo Giám đốc Học viện Doanh nhân LP, ông Nguyễn Liên Phương: “Thương hiệu công nghệ thông tin (CNTT) Việt có thể đàng hoàng đi ra nước ngoài, nhưng hiện ở trên 'kệ hàng' quốc tế vẫn còn yếu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN