Trẻ em vùng cao trong triển lãm tranh 'Tuổi thơ như thế' của họa sĩ Bùi Văn Tuất

Từ ngày 4 - 9/12/2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc triển lãm tranh “Tuổi thơ như thế”.

Chú thích ảnh
Thông tin Triển lãm “Tuổi thơ như thế” .

Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Bùi Văn Tuất - chàng họa sỹ vùng cao đã chọn năm tuổi tròn tới tam thập lục để  “chín”, để khẳng định mình.

Triển lãm “Tuổi thơ như thế” trưng bày trên 15 bức tranh của Bùi Văn Tuất vẽ về tuổi thơ ở vùng núi, với hình ảnh những em bé dân tộc trong đời sống hàng ngày, khi quây quần trên mảnh sân nhà, vừa trông bếp vừa thêu thùa; lúc tựa lưng vào khung cửa tường trình ngóng mẹ… Mỗi bức tranh là một khoảnh khắc cô đọng, chân thật và vô cùng sống động của trẻ em vùng cao.

Ngoài cảm xúc mãnh liệt về tuổi thơ, ba bức tranh khổ lớn tại triển lãm “Tuổi thơ như thế” là ba tác phẩm nặng tính bố cục mà Bùi Văn Tuất muốn tự thử thách mình.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Một ngày như thế".

“Một ngày như thế” với đám trẻ quây quần một buổi sáng hè là tác phẩm "ngốn" mất 8 tháng lựa chọn nhân vật, thêm và xóa của Tuất. Mỗi đứa trẻ, mỗi tư thế, mỗi chi tiết trang phục như chiếc vòng bạc hay đôi khuyên tai, đều là một đặc trưng riêng, góp phần tạo nên một tổng thể nhịp nhàng.

“Không gian trong bếp” và “Bên hiên nhà” lại là hai khoảng trống mênh mông, khi hình bóng nhân vật gần như nhòa đi, như chủ ý của họa sỹ khi nhớ về không gian yên lặng, chậm rãi của miền núi.

Chú thích ảnh
Tác phầm “Không gian trong bếp”.

Là người dân tộc Mường, họa sỹ Bùi Văn Tuất sinh ra và lớn lên ở một bản sâu trong rừng Quốc gia Ba Vì. Cả tuổi thơ của anh chỉ biết đến những ngôi nhà trình tường vàng au, nép bên những triền núi vắt vẻo, những mảnh sân đất nện có đàn gà đủng đỉnh, góc bếp ám khói với chú lợn lang lười biếng, và những chân ruộng bậc thang trải dài hàng thế kỷ. Vậy nên, xuyên suốt tranh của Bùi Văn Tuất là những mảng tường óng ánh vàng của đất khi rực rỡ nắng chiều, khi ấm áp màu bếp lửa.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bên hiên nhà”.

Hơn 20 tuổi mới từ bản ra Hà Nội học, Bùi Văn Tuất đau đáu với không khí núi rừng. Cứ khi nào đi được, anh lại rong ruổi khắp Ba Vì, Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La để tìm và ghi lại những thứ tuyệt đẹp và chỉ có ở trẻ vùng cao. Những bầu má hồng căng vì lạnh, những mái tóc hoe hoe vì nắng, những đôi mắt của tuổi thơ trong trẻo nhất đã được Bùi Văn Tuất kịp ghi chép trước khi thành thị ồn ào tràn về, mang cái hồn làng bản ngày hôm nay đi mất.

Bùi Văn Tuất vốn nổi tiếng trong giới sưu tập cũng như giới họa sỹ về khả năng vẽ chân dung hiếm có của mình. Chỉ 3-4 tiếng đồng hồ, trong đó 2 tiếng là để nói chuyện với nhân vật, Bùi Văn Tuất đã có thể hoàn tất bức chân dung có đủ cả nét đặc trưng của chủ thể, lẫn vẻ hồn nhiên phóng khoáng của người vẽ. Bởi vì “cậu bé dân tộc” ngày đó vẫn giữ luôn được cái nhìn hồn nhiên của mình với cuộc đời, tự dùng mình như một mặt nước trong vắt, chỉ phản chiếu, không phán xét, và giữ đó làm bút pháp, làm thông điệp riêng của mình.

An An
Triển lãm tranh sơn mài về ‘Miền cổ tích’
Triển lãm tranh sơn mài về ‘Miền cổ tích’

Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã tổ chức triển lãm “Miền cổ tích” của họa sỹ Nguyễn Quốc Huy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN