Trao giải Cuộc vận động thiết kế 'Tự hào áo dài Việt'

Kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/2020), tối 7/10, vòng Chung kết và trao giải Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” đã diễn ra tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Đồng chí Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chương trình phát biểu khai mạc. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Cuộc vận động thiết kế áo dài với chủ đề “Tự hào Áo dài Việt” nằm trong chuỗi các hoạt động “ Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tăng cường quảng bá rộng rãi và tôn vinh Áo dài Việt Nam, nâng tầm vị thế, ý nghĩa Áo dài - di sản văn hóa của Việt Nam trong đời sống xã hội; góp phần xây dựng nguồn tư liệu về Áo dài - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cuộc vận động tạo môi trường sáng tạo cho các nhà thiết kế, các nghệ nhân và người yêu Áo dài trong nước; khuyến khích các tác giả/nhóm tác giả đăng ký sở hữu trí tuệ về các thiết kế, nhãn hiệu… theo Luật Sở hữu trí tuệ; biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thí sinh Lê Thị Thủy với bộ sưu tập "Hoàng Thành Thăng Long" nhận giải Nhất. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Đây là sân chơi dành cho người đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, dân tộc. Đối tượng tham dự gồm: Các nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, nghệ nhân, sinh viên chuyên ngành Thiết kế thời trang, người thiết kế không chuyên, thợ may, người yêu áo dài…

Tiêu chí Cuộc vận động khích lệ các thiết kế đa dạng trên mọi chất liệu như lụa, tơ tằm, thổ cẩm; sáng tạo trong việc xử lý kỹ thuật thêu tay, đính thủ công; kiểu cách từ truyền thống đến hiện đại song vẫn thể hiện được bản sắc nét đẹp truyền thống. Đặc biệt, Ban Tổ chức khuyến khích các thiết kế phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nét đẹp độc đáo của các di sản, danh lam thắng cảnh Việt.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, từ lâu, áo dài đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là hình ảnh gắn bó với người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn mang trong mình nét truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt và để lại những ấn tượng đẹp với người dân trong nước và quốc tế.

Chú thích ảnh
Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Oanh với bộ sưu tập "Mẹ yêu" và thí sinh Phùng Quốc Khánh với bộ sưu tập "Trang phục truyền thống dân tộc Ê đê" nhận giải Nhì. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

"Các tác phẩm góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp ý nghĩa, tích cực về tình yêu, lòng tự hào dân tộc và giá trị nhân văn đối của đất nước, con người Việt Nam thông qua hình ảnh chiếc áo dài", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Cuộc vận động thiết kế “Tự hào áo dài Việt” chính thức phát động từ tháng 3/2020. Sau 6 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 102 hồ sơ dự thi với 534 tác phẩm từ 37 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, Cuộc vận động đã thu hút được sự tham dự của đông đảo các tác giả với đa dạng các lứa tuổi (tác giả nhỏ tuổi nhất 7 tuổi và lớn nhất là 64 tuổi), ngành nghề (học sinh, sinh viên, giáo viên, công an, nông dân, doanh nhân, nhà may…).

Chú thích ảnh
Thí sinh Trần Thị Thanh Thủy với bộ sưu tập "Thành phố mang tên Bác", thí sinh Trần Thị Bảo Xuyên với bộ sưu tập "Di sản văn hóa truyền thống quê hương" và thí sinh Lâm Thị Thanh Sơn với bộ sưu tập "Danh lam thắng cảnh Kiên Giang" nhận giải Ba. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Lấy cảm hứng từ những danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng của văn hóa mỗi vùng miền, các tác giả đã khéo léo khai thác giá trị văn hóa Việt Nam để chuyển tải vào những bộ sưu tập mang đậm sắc màu truyền thống. Sau vòng sơ khảo, 60 Bộ sưu tập Áo dài xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo.

Dịp này, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho thí sinh Lê Thị Thủy (Hà Nội) với Bộ sưu tập "Hoàng thành Thăng Long". Hai giải Nhì được trao cho các thí sinh: Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Đắk Lắk) với Bộ sưu tập "Mẹ yêu", Phùng Quốc Khánh (Buôn Ma Thuột) với Bộ sưu tập "Trang phục truyền thống của dân tộc Ê-đê". Ba giải Ba cho các thí sinh: Trần Thị Thanh Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh) với Bộ sưu tập "Thành phố mang tên Bác", Trần Thị Bảo Xuyên (Đồng Nai) với Bộ sưu tập "Di sản văn hóa truyền thống quê hương", Trần Thị Thanh Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) với Bộ sưu tập "Danh lam thắng cảnh Kiên Giang"...

Đỗ Bình (TTXVN)
Tri ân Chúa Nguyễn 'khai sinh' chiếc áo dài
Tri ân Chúa Nguyễn 'khai sinh' chiếc áo dài

Ngày 9/7, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tổ chức húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu (Thừa Thiên - Huế).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN