Trần Mai Hưởng – Nhà thơ thông tấn

Trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, Trần Mai Hưởng là một cây bút có tiếng từ thời chiến tranh chống Mỹ cho đến nay; bạn đọc đã định danh anh là một nhà báo có tên tuổi. Vì thế, khi anh thi thoảng viết một vài bài thơ đăng trên các báo, dù là gây ấn tượng, thì người đọc vẫn quan niệm rằng đó là thơ của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Nhưng khi đọc xong tập thơ “Lời người bán rong” của anh do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa xuất bản thì tầm vóc của một nhà thơ đã hiển hiện. Đúng hơn là một nhà thơ mang đầy chất thông tấn, có đủ bản lĩnh và tài năng đưa cả sự kiện thời sự vào thơ. Hay nói một cách hình ảnh là anh thổi hồn thơ vào các sự kiện khiến cho người đọc không chỉ cảm nhận sự kiện một cách đầy chất thơ mà còn nhìn nhận và hiểu rõ bản chất của sự việc gần như một thông tin báo chí. Thật sự có chăng thể loại thơ thông tấn hàm chứa lượng thông tin báo chí trong ngôn ngữ và hình tượng thơ ca như nhà thơ Trần Mai Hưởng đang làm?

Không trau chuốt công phu, không kỳ công gọt giũa, thơ viết ra nhanh như viết tin thông tấn về một sự kiện vừa xảy ra, thế mà mỗi con chữ, mỗi dòng thơ trong nhiều bài thơ khiến người đọc có cảm giác da diết tâm can về số phận của nhân dân, của đất nước trong mọi hoàn cảnh thật điển hình, mà ở đó với khả năng “bẩm sinh” của người làm tin thông tấn chớp bắt được.

Nhà báo Trần Mai Hưởng ở mặt trận Quảng Trị năm 1972.

Trong suốt tập thơ là các sự kiện nối tiếp nhau cùng những suy tư và nghiệm sinh của người viết. Có sự kiện đời thường, có sự kiện của cả một giai đoạn lịch sử, có những số phận của một con người và số phận của cả dân tộc.

Tập thơ trải dài qua mấy chục năm, từ chiến tranh sang hòa bình, từ cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, được diễn tả trong không gian từ mỗi con người đến Tổ quốc và ra tới cả bốn biển, năm châu.

Khó có một tác giả nào có điều kiện đi, sống và viết như Trần Mai Hưởng. Khó có tập thơ nào có bề dày thời thời gian và chiều rộng không gian như “Lời người bán rong”. Sự dài rộng của thời gian và không gian ấy có thể sẽ khiến tập thơ chỉ là một biên niên sử nếu người đọc không nhìn ra số phận con người, cùng với sự đồng cảm, chia sẻ mà tác giả  “tạo dựng” nên.

Nhà báo Trần Mai Hưởng ở Angkor,Cam Pu chia mùa khô năm 1979.

Một không gian và thời gian dài và rộng như vậy cũng làm cho không gian sáng tạo rộng lớn thêm nhưng cũng có thể làm cho chất thơ bị “pha loãng” trở thành nhạt nhòa, làm cho hình ảnh của thơ ca bị kéo sát với sự kiện của báo chí. Khi đó tập thơ sẽ không còn sức cuốn hút, và người đọc không có gì để nhớ.

Vì thế khi đọc suốt cả tập thơ tôi luôn hồi hộp khi tác giả viết về các vấn đề quá thời sự, e ngại rằng, sa đà vào chi tiết thì sẽ không còn là thơ, đôi cánh sáng tạo của thơ sẽ biến thành đôi cánh của con chim cánh cụt; rằng những vấn đề viết ở rất xa xôi sẽ trở thành sa đà, tản mạn. Nhưng khi đọc xong, gấp tập thơ lại là dư ba trào dâng sau mỗi con chữ, mỗi câu thơ, nó ám ảnh như câu chuyện hay còn đang chờ kể tiếp, khắc khoải như chờ đợi những gì sắp diễn ra. Những câu thơ, tứ thơ đã như cái mỏ neo cắm sâu vào thời gian và không gian dài rộng kia, neo vào những cảm xúc thật và rờn rỡn trong lòng.

Tôi đã thật sự giật mình khi đọc bài “Tổ quốc ở Tiên Lãng”: 

Một tiếng súng
 
Bao miền quê ngơ ngác

Tiên Lãng

Điều gì đã xảy ra?


Không khác gì tình huống trong một cuộc giao ban thông tin báo chí khi nhà thơ như tổng biên tập hỏi còn các phóng viên thì chưa có câu trả lời. Đích thực là phần mở đầu của một tin thông tấn khi trả lời được câu hỏi “ở đâu”. Nhưng không tuần tự như người làm tin, nhà thơ đã xuất hiện đúng lúc, mang không gian suy tưởng của thơ ca đến và hạ bút viết:

Từng mảnh ruộng là cơm ăn áo mặc

Mỗi vạt đầm là cơ hội đổi đời

Đối với họ đấy chính là Tổ quốc

Khát vọng ấm no, khát vọng làm người

Và:

Đất nước rộng dài

Được ghép nên từ triệu triệu mảnh ruộng

Nhân dân là muôn ngàn số phận

Hãy ngắm nhân dân trên gương mặt mỗi người


Từ một vụ việc gây xôn xao dư luận ở Tiên Lãng, nhà thơ nghĩ về Tổ quốc và nhân dân, về số phận của mỗi người gắn bó với Tổ quốc rất bình dị trong cuộc sống thường nhật, nhân dân không còn là phạm trù trừu tượng mà đã hiện diện trên từng số phận mỗi người. Nhà thơ khẳng định vai trò làm nên đất nước của nhân dân; rằng ngoài bổn phận lớn lao đối với muôn người thì cũng có cái cụ thể với mỗi người để họ có được “Khát vọng ấm no, khát vọng làm người”.

Nhà báo Trần Mai Hưởng thuộc lớp phóng viên tay bút, tay súng của Thông tấn xã Việt Nam. Chưa tròn 17 tuổi anh đã là phóng viên thông tấn, đem cả tuổi 20 đi khắp chiến trường chống Mỹ. Anh đã  tới những mặt trận nóng bỏng nhất như Quảng Trị năm 1972, theo các cánh quân “thần tốc’ trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Và sau này còn đi cùng các cánh quân tình nguyện sang Camphuchia đánh quân Polpot giải phóng đất nước Ăngco khỏi họa diệt chủng, lên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.

Phóng viên chiến trường với anh không chỉ là một nhiệm vụ phải thực thi hay là một lý tưởng dấn thân mà nó đã làm nên một giá trị nhân văn, một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi về đồng chí, đồng bào, về những mất mát hy sinh và những gian lao của con người, tất cả kết thành giá trị nhân văn cao đẹp, sự hoài niệm thiêng liêng để tạo nên chất thơ trong nhà báo Trần Mai Hưởng. Rằng ngoài mặt trận, Tổ quốc hiện thân trong mỗi người lính cầm súng; Tổ quốc là trên hết, là tất cả, người lính mang Tổ quốc trên vai để bước vào từng trận đánh.

Tư cách nhà thơ của Trần Mai Hưởng được định hình từ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và vinh quang như vậy. Cũng chính vì thế mà trong thơ anh đậm chất chính luận, một loại chính luận thơ đầy suy tưởng và chiêm nghiệm về nhân dân và đất nước qua mỗi thời đại.

 Xã tắc linh thiêng hơn mọi vương triều

Tổ quốc cao hơn mọi vinh quang dòng tộc


(Đêm Hoa Lư)

Cùng là máu đỏ da vàng

Cớ sao phải viện ngoại bang tương tàn

Có thắng cũng chẳng vẻ vang

Tránh sao muôn sự luận bàn đời sau…


(Viếng bà phi Yến)

Thuyền muốn vươn xa phải từ bờ bến

Đất chẳng bình yên khi sóng dậy trùng khơi


(Đứng trước biển)

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trần Mai Hưởng theo mũi đột phá tiên phong của quân đoàn II thuộc cánh quân Duyên hải tiến vào dinh Độc Lập sớm nhất và anh đã chụp được bức ảnh lịch sử: Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.

Bức ảnh này đã trở thành biểu tượng của ngày toàn thắng. Sự kiện đó còn được nhắc tới nhiều trong văn chương, nghệ thuật và lịch sử mãi mãi về sau. Nhưng cái “chớp mắt’ của lịch sử Trần Mai Hưởng đã “chớp” được với tư cách là một chứng nhân trong thời điểm trọng đại bậc nhất của đất nước.


Là nhà báo đã vào sinh ra tử trên nhiều mặt trận, anh cũng lại có may mắn là một trong số ít những nhà báo có mặt tại nơi đầu tiên cất lên khúc khải hoàn của cả dân tộc ngày 30/4/1975. Vì thế anh có cơ may nhìn thấu cuộc chiến tranh từ những lúc máu lửa nhất đến ngày toàn thắng. Chặng đường đó đã tạo nên cho thơ anh những cảm hứng chan chứa và hào hùng về nhân dân, đất nước, cùng với sự khắc khoải về số phận con người.

Lịch sử mấy ngàn trang giông bão

Máu nhân dân tưới đẫm từng dòng

Mỗi thanh gươm một đường cày hy vọng

Hạnh phúc gieo trên mỗi mảnh đất cằn


(Nhân dân)

Người lên Ải Bắc năm xưa ấy

Sương trắng núi cao tuyết giăng thành

Máu đổ xuống giữ từng triền núi

Nước sông xanh mấy bận tím bầm

(Bên dòng sông Nho Quế)

Đại thắng mùa xuân 1975, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, những người lính trường chinh vui mừng đến quên ăn, quên ngủ trong cảm giác lâng lâng khó tả. Chính lúc ấy, nhà báo - chiến sĩ Trần Mai Hưởng với một sự suy tư đầy nhân văn về số phận con người trong chiến tranh lại hướng một cái nhìn lặng lẽ mà đầy trắc ẩn về người mẹ có hai đứa con; một là quân giải phóng, một là người lính “phía bên kia”- một sinh viên bị bắt quân dịch, “chưa nổ phát súng nào về phía người thân” thì đã ngã vào lòng đất, để “Bà mẹ đơn độc đi về phía bình minh/ Tâm hồn xé thành hai nửa…”. Đó không chỉ là bi kịch của một người mẹ mà là bi kịch của chiến tranh, mà không phải ai cũng cảm nhận được.

Số phận con người là vô cùng nhỏ nhoi trước thời gian, không gian và lịch sử. Hàng triệu tên tuổi sẽ lắng vào vài dòng biên niên sử của một thời đại nhưng văn chương, nghệ thuật sẽ khắc họa chân dung của họ rồi tạc vào ký ức dân tộc, cả niềm vui và nỗi buồn, cả những vinh quang và cay đắng của từng lớp người. Đó là sứ mệnh cao cả của thơ ca, văn chương, nghệ thuật. Nỗi ám ảnh nhất trong thơ Trần Mai Hưởng là số phận con người, không chỉ là trong chiến tranh mà ngay cả thời bình khi anh nghĩ về “Lời người bán rong”, về “Những phóng viên chiến trường”, về mẹ, cha, anh em, đồng chí. Và về chú bé Aylan bị chết trong dòng người tỵ nạn khiến cho “Hàng triệu người nhỏ lệ/Những chính khách cúi đầu…”.

Theo “Lời người bán rong” ta bước qua các sự kiện của đời sống để đi vào số phận con người và hòa cùng thế giới. Đấy là một chiều thu nào đó ở nước Nga, ta đến Tula viếng ngài bá tước - đại văn hào Lep Tolxtoi trước “Một nấm mộ không nhỏ hơn được nữa/Như nơi người thương khó dừng chân…”.
Có thể ta sẽ hiểu thêm cái lẽ nghiệm sinh của nhà thơ khi “Trở về”:

 Lòng nhẹ như con đò vắng

 Cuối ngày về lại bến xưa…


Nguyễn Quang Vinh
Ông Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN: Tạo “thương hiệu” bằng bản lĩnh, tài năng và trách nhiệm
Ông Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN: Tạo “thương hiệu” bằng bản lĩnh, tài năng và trách nhiệm

30 năm là một chặng đường dài đối với Báo Tin tức. Tờ báo đã có nhiều giai đoạn khá đặc biệt, từ Tuần Tin tức chuyển sang báo ngày, đến tờ Tin tức Buổi chiều rồi lại chuyển sang Báo Tin tức, phát hành vào buổi sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN